Sunday, February 21, 2016

KEITH WILLIAM NOLAN – HUẾ, TRẬN ĐÁNH MẬU THÂN 1968 - CHƯƠNG I - PHẦN I



Keith William Nolan - Hoàng Long Hải (dịch)
(Bút ký về trận đánh kéo dài 26 ngày tết Mậu Thân năm 1968 ở Huế)
Vài lời của người dịch:
Có hai lý do chính thúc đẩy tôi dịch tác phẩm nầy. Thứ nhất là vì chúng ta biết ít về việc người Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam như thế nào. Tôi là nạn nhân trận đánh Tết Mậu Thân ở Huế, tuy có theo dõi và quan sát tình hình xảy ra tại chỗ và qua báo chí, đài phát thanh, cũng như trong thời gian phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, làm phóng sự phát thanh, phục vụ trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia, tại những vùng quê xa xôi hẻo lánh; tôi cũng không rõ lắm về những người lính Mỹ đã chiến đấu, chịu nguy hiểm, thương vong như thế nào.
Có lẽ điều đó không riêng gì tôi mà thôi. Do đó, tôi dịch cuốn sách nầy để người Việt chúng ta thấy người lính Mỹ đã chiến đấu và hy sinh ra sao, đã giải phóng những vùng ở Huế bị Việt Cộng chiếm đóng và giết chóc đồng bào như thế nào.

 Ngày 9 tháng Giêng âm lịch Tết Mậu Thân, khi Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đẩy quân Việt Cộng ra khỏi Bến Ngự, đồng bào khu vực nầy lánh nạn về trường Kiểu Mẫu Huế. Họ vui mừng biết bao nhiêu. Chính tôi cũng như bạn bè gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, vì vừa thoát khỏi vùng tử địa. Chính gia đình của nhạc sĩ phản chiến Trịnh Công Sơn cũng từ khu nhà cho thuê của Giám Mục Ngô Đình Thục bên cạnh cầu Phú Cam cũng chạy về đây lánh nạn.

Thứ hai là vì gần đây, trong cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2004, báo chí và truyền hình Mỹ nhắc lại quá trình hoạt động của ông John Kerry, Thượng Nghị Sĩ. Sau khi tham chiến ở Việt Nam về, ông John Kerry tham gia phong trào phản chiến ở Tiểu Bang Massachusetts, tố cáo rằng lính Mỹ ở Việt Nam đã bắn giết bừa bãi cả trẻ con, đàn bà, hãm hiếp phụ nữ và cướp bóc. Tất cả những gì mà quân đội viễn chinh Pháp (trong đó có người Ma-Rốc, Senegal, v.v…) đã làm trong cuộc chiến tranh Việt Pháp 1945-54, nay ông John Kerry đổ hết lên đầu những chú lính GI của Quân Đội Hoa Kỳ. Đó là một sự vu cáo trắng trợn, bôi đen Quân Đội Mỹ.
Đọc lời dẫn nhập trong phần sau đây, độc giả sẽ thấy những người lính Mỹ sau khi tham chiến ở Việt Nam, họ phải gánh chịu một tình cảnh hẩm hiu và đáng thương như thế nào. Điều đó, một phần nào đó là do lỗi chính ở ông John Kerry và những người trong phong trào phản chiến của ông ta vậy.
Massachusetts
tháng 9/04
Tuệ Chương
Dẫn nhập
So với cuộc chiến tranh nổi tiếng như Thế Giới Chiến Tranh thứ Hai mà Mỹ đã tham gia thì ngày nay, trận đánh ở Huế vẫn là một tên tuổi gần gũi. Hơn thế nữa, những người sống sót trở về, thay vì được hoan hô như những anh hùng, và những ai đã ngã xuống phải được tưởng nhớ, thì những điều ấy đã không thành hiện thực. Những người Mỹ từng chiến đấu ở Huế là một phần của một thế hệ kém may mắn, những người chính đất nước họ không thể tách rời chiến tranh ra khỏi chiến binh, và họ là những người bị xa lánh vì đã không từ chối khi trách nhiệm đến với họ. Tuy nhiên, đối với chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến không được dân chúng mong muốn, người dân Mỹ tuồng như quên rằng binh lính của họ đã từng chịu đựng nhiều nỗi gian khổ và thiếu thốn như những người đi trước họ, những người từng được tán dương mạnh mẽ trong Thế giới Chiến tranh thứ Hai.
Cuốn sách nầy (The Battle for Hué) tập trung nói lên những nỗi gian khổ ấy, – một cuộc chiến tàn bạo, kéo dài suốt một tháng, đánh nhau từ nhà nầy qua nhà khác, chính yếu bằng ba đại đội thiếu quân số và thiếu trang bị, thuộc các tiểu đoàn bộ binh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (TQLC/ HK).
Khi các người lính TQLC/ HK đang đánh nhau với kẻ địch ở Huế hồi ấy, tôi mới có ba tuổi. Khi lớn lên thì cuộc chiến đó càng lúc càng mờ nhạt, xa xôi mà người ta coi đó như là những gì xấu xa. Trong niềm im lặng ấy, – pha hợp phức tạp bằng vẻ khiếm nhã của các thầy giáo có trí óc cởi mở của tôi, khi nói về vụ Mỹ Lai, và với những cựu chiến binh nghiện ma túy và thần kinh rối loạn, – đã làm nảy sinh trong tôi sự yêu thích đề tài chiến tranh nầy. Điều làm tôi băn khoăn là nhiều đồng bào tôi chẳng thể chịu đựng được nhiều như thế, hoặc rất ít người quan tâm tới. Điều làm tôi băn khoăn nữa cũng là việc những người bỏ trốn qua Canada hay ở nơi nào đó, để khỏi tham gia chiến tranh Việt Nam, tán dương lòng nhân đạo của họ, trong khi những người không trốn chạy thì phải đối đầu với gian khổ và hiểm nguy một năm trong chiến tranh địa ngục Việt Nam, những người đó bị coi là đã bắn giết đàn bà trẻ em, nghiện hút và non nớt, dễ bịp.
Tôi bắt đầu tìm kiếm tài liệu cho đề tài tôi ưa thích và tôi tìm được một nguồn tài liệu độc nhứt nhưng thực sự quan trọng: Những người từng có mặt tại trận chiến đó.
Dĩ nhiên cuốn sách nầy được viết bằng cách phỏng vấn những người đó, là một câu chuyện lịch sử nói về thời điểm, chiến thuật, đơn vị, tiếp liệu và những gì đã tạo ra cuộc chiến ở Huế.
Nhưng những tài liệu hữu ích của các cựu chiến binh nầy, còn có thể nói lên thêm vài điều nữa. Nó mô tả sự hiện hữu hằng ngày của các chiến binh TQLC trong trận chiến dài một tháng đó, những nỗi sợ hãi, chiến thắng, bạn bè mất mát, tình chiến hữu, chán nản và mệt mỏi. Tôi được may mắn nói chuyện với các vị chỉ huy trong trận đánh Huế, lại càng may mắn hơn được nói chuyện với những người lính bộ binh. Cuốn sách nầy hầu hết nói về họ, về trận chiến được nhìn bằng chính mắt họ vậy.
Tôi vẫn thường nhớ ơn một cách sâu xa những cựu chiến binh đã giúp tôi hoàn tất tác phẩm nầy. Tôi cũng từng nói chuyện với những người không ở Huế, và tinh thần những cuộc nói chuyện đó được ghi lại trong sách nầy. Tôi có cơ may chuyện vãn với khoảng 3/4 cựu chiến binh tham dự trận đánh Huế. Một số những người đó, ngày nay là các tướng lãnh, mặc dù rất bận bịu, cũng dành thì giờ xem lại bản thảo của tôi, cũng như rà soát lại tin tức tôi có được. Những người khác, những người lúc ấy còn trẻ, đã giúp tôi công việc nầy, ngay từ khi bắt đầu và kéo dài suốt nhiều năm. Tôi xin cám ơn tất cả mọi người. Tôi xin bày tỏ lòng cám ơn sự giúp đỡ của họ cũng như niềm tin đã đưa tới một kết luận vững chắc.
Các cựu chiến binh đặc biệt giúp đỡ hoàn thành cuốn sách nầy gồm có:
-Tướng William C. Westmoreland (hồi hưu),
-Tướng Foster C. LaHue (hồi hưu), tướng John J. Tolson (hồi hưu).
-Đại tá Frank Breth, đại tá James Coolican, đại tá Marcus J. Gravel, đại tá Robert H. Hamilton (hồi hưu), đại tá Myron C. Harrington, đại tá Edward J. LaMontagne (hồi hưu), đại tá Wayne R. Swenson, đại tá Robert H. Thompson (hồi hưu).
-Trung tá Gordon D. Batcheller, trung tá Terry Charbonneau, trung tá William Harvey, trung tá Ralph J. Salvati (hồi hưu)
-Thiếu tá James V. DiBernardo (hồi hưu), thiếu tá Harold Pyle (hồi hưu).
-Đại úy Dale A. Dye, William Dickman,
-Trung sĩ Frank Thomas, trung sĩ Joseph L. McLaughlin (hồi hưu), trung sĩ Paul Thompson (hồi hưu), trung sĩ Josef Burghardt (hồi hưu), trung sĩ Richard W. Carter, trung sĩ Edward F. Neas, trung sĩ Steve Berntson (hồi hưu).
-Thiếu úy Richard Lyons (hồi hưu), thiếu úy Patrick Polk (hồi hưu).
-Hạ sĩ Dan Allbritton (hồi hưu), Peter Braestrup, hạ sĩ Bill Jackson (hồi hưu), hạ sĩ Edward Landry (hồi hưu), hạ sĩ Lewis C. Lawhorn (hồi hưu), hạ sĩ Brian Mayer (hồi hưu), George Schamberger (hồi hưu), và Don Webster.
-Đặc biệt chân thành cám ơn Tướng O.K. Steele (ra trường cùng lớp và cùng năm 1956 với thân phụ tôi, William F. Nolan). Khi là đại tá, làm chỉ huy trưởng một đơn vị Hải Quân đóng tại Washington D.C. Năm 1981, Steele mời tôi đến sống hai tuần với gia đình ông ngay trong doanh trại quân đội. Đó là một cuộc thăm viếng kỳ lạ. Tướng Steele không những kể cho tôi nghe những hồi ức của ông về Huế, chỉ cho tôi thấy hướng thành công do TQLC đạt được, và sắp đặt cho tôi phỏng vấn Bill Harvey và Harold Pyle.
-Cũng xin bày tỏ lòng cám ơn với Trung Tâm Tư Liệu Lịch Sử Binh Chủng TQLC tại Washington D.C., đã cung cấp cho tôi vô số tin tức cũng như tài liệu liên quan đến TQLC tại Việt Nam. Hai vị trong cơ quan nầy, tướng hồi hưu Edwin H. Simmons và Robert Skidmore đã tận tình giúp đỡ và khuyến khích tôi trong suốt mấy năm tôi tìm kiếm tư liệu ở đây.

Keith W. Nolan
Tháng Tám 1983
Lời Nói Đầu
Huế, cũng như Saigon, tới đêm thứ hai mới bị tấn công. Và cũng như Saigon, Huế chẳng chuẩn bị gì để đối phó với địch mặc dù được báo động trước một ngày. Dù vậy, những người bảo vệ Huế không đủ khả năng chống lại những người tấn công họ. Cộng Sản đã đạt được những điểm tựa vững chắc và hoàn thành mục tiêu của họ.

Thực ra, Huế có hai thành phố: Khu Nội Thành, thường được gọi là Thành Nội Huế, là một pháo đài có tường thành bao bọc, theo kiểu hoàng thành Bắc Kinh. Một khu vực tường cao và vuông vức, mỗi cạnh dài khoảng hai dặm Anh, nằm bên bờ sông Hương, một thời là nơi sinh hoạt của các vị “hoàng đế An-Nam”. Ở đây có nhiều kiến trúc cổ và tôn kính, gồm cả kỳ đài Ngọ Môn và điện Thái Hòa. Một trong những ít ỏi đền đài văn hóa của người Việt Nam, bao bọc che chở bằng một tường thành cao mười sáu bộ và bề dày tường thành thay đổi từ sáu mươi đến trên hai trăm bộ.
Tướng Ngô Quang Trưởng (năm 1968 là đại tá – ngd), Tư Lệnh Sư Đoàn 1, làm lễ thượng kỳ tại thành Mang Cá, (bộ Tư Lệnh Sư Đoàn) vào sáng ngày 30 tháng Giêng dương lịch, để kỹ niệm ngày đầu năm âm lịch. Ngay sau đó, ông ta nhận được nhiều tin dữ, báo cho biết quân Cộng Sản tấn công nhiều nơi trong nước. Một cách thận trọng, nhưng không biểu lộ lo lắng quá đáng, ông ra lệnh báo động toàn sư đoàn và chỉ thị cho quân nhân phục vụ tại Bộ Tư Lệnh cấm trại đêm hôm đó. Hành động cẩn mật nầy làm cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn không bị thiệt hại gì và toàn bộ sư đoàn không rơi vào tình trạng đột ngột. Mặc dù tướng Trưởng không biết, nhưng đặc công Cộng Sản đã xâm nhập vào thành phố từ hai ngày trước và đang chờ hai trung đoàn Cộng Sản từ bên ngoài tấn công vào.
Những trung đoàn nầy, trung đoàn 5 do trung tá Nguyễn Vân chỉ huy, và trung đoàn 6 do trung tá Nguyễn Trọng Dần chỉ huy, bí mật tiến về Huế trong lúc tướng Trưởng làm lễ chào cờ đầu năm. Nhìn chung, tám tiểu đoàn của hai trung đoàn nầy, gồm bảy ngàn rưởi binh lính, kể chung cả quân Việt Cộng Miền Nam và Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đảm nhận việc đánh chiếm thành phố Huế.

Vào khoảng hai giờ sáng, binh lính của Dần, nhờ sương mù dày đặc và hướng dẫn viên đưa vào thành phố đã bí mật tới được vùng ngoại ô Huế, rồi tiến thẳng vào mục tiêu: Thành Nội Huế.

Vào lúc 3giờ 40 phút sáng họ tiến tới một khu vực, làm cho lính canh hoảng hốt, ngạc nhiên, và tức khắc quân Cộng Sản thiết lập được một đầu cầu. Trong khi đó, binh lính trung đoàn 5 của trung tá Vân, bị trì hoãn vì lọt vào một cuộc phục kích của Quân Đội VNCH. Họ phải vội vàng chống trả một toán quân nổi tiếng thiện chiến. Vì vậy, tới sáng, hai trung đoàn chỉ chiếm được có một phần Thành Nội. Họ không thể chiếm toàn bộ khu nội thành mà phải chia phần trong với những người lính chiến đấu một cách dũng cảm của tướng Trưởng. Khoảng hai tiểu đoàn quân số và trang bị đầy đủ chiếm đóng phần trọng yếu trong Thành Nội. Trong khi hai tiểu đoàn nầy lo củng cố vị trí mới chiếm được thì các tiểu đoàn khác củng cố vị trí của họ bên ngoài thành phố, đặc biệt ở khu hữu ngạn (phía nam) sông Hương. Tới 8 giờ sáng, các sĩ quan Đồng Minh cảm thấy buồn phiền khi một lá cờ to của Cộng Sản ngạo nghễ bay trên cột cờ Ngọ Môn.
Ngay lập tức, lực lượng Đồng Minh phản công.
Hải Quân Mỹ, quân Nhảy Dù, Thiết Giáp Việt Nam Cọng Hòa cố gắng đánh bật quân Cộng Sản ra khỏi thành phố. Họ thất bại. Cố gắng đầu tiên của họ trở thành một mô hình. Ngày hôm sau, các đơn vị Đồng Minh nổ lực đẩy quân Cộng Sản ngoan cố ra khỏi Thành Nội và nới lỏng việc nắm giữ chặt chẽ vùng phụ cận. Tuy nhiên, họ thấy tình hình khó khăn đến nỗi không thể không gánh chịu thương vong nặng nề. Họ cũng hết sức miễn cưỡng phải xử dụng các loại vũ khí có sức tàn phá lớn tại đây, trung tâm văn hóa mà địch quân đã đào hào đắp hố để chống cự. Kết quả là một cuộc chiến đấu căng thẳng, đánh cận chiến qua từng nhà một, vô cùng đẫm máu và kéo dài.

Keith William Nolan – Huế, Trận đánh Mậu Thân (Bài 3) – Chương 1: Gọi Ra Trận: từ Phú Bài đến Huế
Keith William Nolan Hoàng Long Hải (dịch)​​
Bài 3: Chương 1Gọi Ra Trận: từ Phú Bài đến Huế
Người lính Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) đã chết, đầu lắc lư, lọt ra khỏi chiếc xe Jeep đang chạy ngang toán lính đi trên con đường bụi mù, tên gọi là Quốc Lộ (QL) 1.
Rich Carter đứng bên đường nhìn theo chiếc xe Jeep biến mất trong bóng đêm ở cuối đường. Quân địch phục kích toán tiền phong của đại đội, giết tiền sát viên, làm bị thương ba người khác. Bây giờ địch quân biến mất, lẫn vô rừng và đêm đen. Bao giờ cũng vậy, kể từ khi Carter về đại đội nầy ba tháng trước, bọn họ không mấy khi thấy địch. Họ chỉ thấy có mìn, bẫy, bắn sẻ, và phục kích; họ thất vọng. Chiến tranh kiểu đó không phải là điều Carter muốn. Carter vào TQLC một tuần sau khi rời trường cấp ba ở Carteret, New Jersey vì bố anh ta là một TQLC, chú anh ta cũng vậy. Mười tám tuổi, anh ta tin chiến tranh, – và anh ta cũng muốn giống như những người đi trước. 
Carter đến Việt Nam với đầy nỗi lo ngại, kích động và niềm chua chát của một người lính mới bộ binh. Nhưng rồi mọi sự cũng tới. Những lần tuần tiểu đẫm mồ hôi trên những đám ruộng lúa nắng cháy và những hàng cây xanh bên bờ sông An-Hòa, những cuộc hành quân bình định, đưa dân lên các toa xe, – đàn bà thì khóc, trẻ con thì la hét – rồi đốt cháy các xóm nhà lá. Việt Cộng thì ở khắp nơi nhưng ít khi thấy họ. Carter đã trải qua một đêm tuần tiểu, ngồi trong rừng đêm ẩm ướt, trong khi vài con ma vô hình nào đó tới hét vào mặt anh: Tên độc ác, tối nay mày chết. Có một đêm, toán phục kích của anh bắn chết một Việt Cọng vô tình di chuyển trên đường mòn; tới sáng, cái xác biến mất. Một lần khác, bọn họ lục soát một căn nhà và thấy chiếc nhẫn của một TQLC đã chết. Anh thấy có ba cái bẫy. Trời, những cái bẫy nầy! Lựu đạn buộc vào giây thép giăng ngang, che bằng lon thiếc đựng đồ ăn phần C, buộc với bom hay đạn đại bác không nổ hoặc mìn 30 pound. Tuồng như ở đâu cũng có mìn bẫy. Một hôm, ở trong rừng, Carter nghe một tiếng nổ thiếu đường điếc tai; rồi có tiếng la khiếp đảm: “Y tá lên trước.” Một trái đạn đại bác 155ly ngụy trang phát nổ. Chín TQLC chết. Ngày hôm sau, một TQLC đi dưới hàng cây, dọc theo một con đường nhỏ. Đất dưới chân như nổi sóng, có cái gì đập vào đầu Carter, và khi anh ta lắc đầu cho tỉnh thì anh ta thấy chiếc giày của một người lính văng tới bên cạnh. Chiếc giày đang cháy và bốc khói mà cái chân thì vẫn còn ở trong giày. Anh lính còn ở trên đường mòn, kinh hãi la lên vì thấy chân mình còn mắc trong đất như đóng cọc. Từ đầu gối trở xuống, hai chân anh ta bay mất.
Chiếc xe Jeep chở xác đi rồi. Toán lính xuống đường và bắt đầu bố trí. Họ đào hố cá nhân, đặt mìn claymore chung quanh và chia nhau canh gác. Hạ sĩ Richard Walter Carter thuộc toán súng máy Trung Đội 3, Đại Đội Fox, Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 5, Sư Đoàn 1 TQLC; ai nấy ở trong hố cá nhân, cố ngủ một chút giữa đám muỗi vo ve và những âm thanh rền rĩ của đêm đen.
Đó là đêm 30 rạng ngày 31 tháng Giêng/ 1968.
Còn mấy tiếng đồng hồ nữa thì trận đánh Huế năm Mậu Thân bắt đầu.
Hôm đó, phòng theo dõi truyền tin ở căn cứ Phú Bài trên Quốc lộ 1, phía nam Huế, bắt được làn sóng truyền tin của địch cho biết địch sẽ tấn công vào thành phố Huế. Theo thủ tục, tin điện bắt được nầy không gởi thẳng cho Huế mà báo cáo cho bộ Chỉ Huy Cao Cấp ở Đà-Nẵng để ghi nhận và phân tích. Cùng lúc, tin nầy cũng gởi cho Huế bằng teletype.

Đại úy James J. Coolican, một sĩ quan TQLC tài ba, làm cố vấn cho đại đội Hắc Báo Sư Đoàn 1 Bộ Binh (BB) Việt Nam Cọng Hòa (VNCH), lo ngại vì tình hình có vẽ khác thường. Hôm qua, 29 tháng Giêng, Đại Đội Hắc Báo của ông được xe GMC đưa từ vùng Phi Quân Sự về hậu cứ sau mấy cuộc hành quân ở đó. Tết, năm mới âm lịch – năm 1968 là năm con khỉ – một người Mỹ như ông muốn được hưởng những ngày nghỉ – như người ta thường nói – ngày sinh nhựt, lễ Giáng Sinh, lễ Độc Lập, cứ tiếp nối như vậy… Theo thông lệ, hai bên cùng tuyên bố tạm thời ngưng bắn. Tuy nhiên, trên đường rút quân về chỗ tạm nghỉ, Coolican thấy đường đi rất ít người, chẳng có ai chen lấn, hối hả lo về nghỉ Tết. Có vẻ gì bất thường. Đại úy Coolican biết như thế có nghĩa là địch sắp tấn công.
Nhưng họ sẽ tấn công vào lúc nào và ở đâu?
Bên trong thành phố Huế, tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1, Tướng Trưởng (thật ra lúc đó ông Ngô Quang Trưởng còn mang cấp bậc đại tá – ngd) Tư Lệnh Sư Đoàn cũng thấy có điều không ổn. Bộ Tư Lệnh Cao Cấp của Tướng Westmoreland ở Saigon ra lệnh đình chỉ lệnh ngưng bắn theo truyền thống sau khi địch tấn công vào 8 thành phố. Tướng Trưởng là sĩ quan giỏi nhất Quân Lực VNCH. Để đề phòng, ông tập trung tất cả các sĩ quan tham mưu lại trong Bộ Tư Lệnh, ra lệnh báo động trăm phần trăm, và cũng ra lệnh báo động cho các đơn vị đóng bên ngoài thành phố. Dù vậy, một nửa quân nhân của sư đoàn đã được nghỉ phép Tết, hầu hết họ có gia đình ở Huế. Tin tình báo cho biết lực lượng địch khoảng 2 trung đoàn đang tập trung ở phía tây, cách Huế 40 cây số. Ở phía nam Huế, địch quấy rối quận Phú Lộc, vì vậy Tướng Trưởng nghi rằng địch sẽ tấn công Phú Lộc, cố gắng cắt đứt Quốc lộ 1. Ông cho một tiểu đoàn triển khai tác chiến ở vùng nầy.


Tướng Trưởng tiên liệu một cuộc tấn công có thể xảy ra ở xa, và chẳng có dấu hiệu gì Huế sẽ là mục tiêu địch tấn công cả. Đối với người Việt, Bắc cũng như Nam, Huế là thành phố thiêng liêng, vì Huế một thời là kinh đô của Đế Quốc Việt Nam. Trong lịch sử hàng trăm năm đẫm máu của xứ nầy, hai lần Huế là nạn nhân. Lần đầu tiên là vào năm 1883, (1) khi quân Pháp tấn công, trước khi chiếm kinh đô; lần thứ hai là vào năm 1945, khi du kích Cộng Sản cố đè bẹp quân Pháp mà không thành. Thực ra, Huế rất hiền hòa, yên tĩnh. Người ta biết sĩ quan QĐ/ VNCH phải chịu hối lộ mới được đổi về làm việc ở Huế.
Huế là thành phố lớn thứ ba ở Nam VN, dân số 140 ngàn người, nằm cách bờ biển khoảng mười cây số, và cách Khu Phi Quân Sự, nơi có nhiều trận đánh dữ dội một trăm cây số. Huế là thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên. Huế có hai phố, cách nhau bằng sông Hương, sông nầy chảy ra biển.

Trên bờ Bắc là khu thành cổ, rộng ba cây số vuông, có các bờ thành bao bọc chung quanh. Thành nầy do một nhà quân sự Pháp và Hoàng Đế Việt Nam vẽ kiểu xây vào khoảng đầu những năm 1800. Chung quanh thành có hào sâu, nước xanh, trồng sen và hết khu nầy đến khu khác là những hàng cây xanh. Trong nhiều thế kỷ trước, chính trong những bức trường thành nầy, hoàng đế cai trị đất nước.
Bên kia hoàng thành, phía bờ nam là khu trú dân, mới hơn. Khu nầy lớn bằng nửa khu hoàng thành và hơi giống hình tam giác, sông Hương ở cạnh bắc; sông đào An Cựu (2) từ sông Hương chảy vào, vòng xuống phía Nam làm thành hình chữ V.
Về mặt quân sự, Huế là thành phố quan trọng. Đường xe lửa và Quốc Lộ 1 chạy ngang qua thành phố nầy, vượt qua sông Hương, mang đồ tiếp liệu từ Đà Nẵng tới khu Phi Quân Sự, và cũng có một điểm tiếp liệu Hải Quân vận chuyển bằng tàu nhỏ từ Huế ra biển. Tuy vậy, thành phố lại khó giữ an ninh. Trong thành nội, góc thành phía bắc là Bộ Tư Lệnh của Tướng Trưởng có thành bao bọc chung quanh. Tại đây, không có đơn vị tác chiến, chỉ có bộ tham mưu và lính phòng vệ. Bên kia sông, phía nam là bến tàu Hải Quân Mỹ, nơi chuyển vận hàng tiếp liệu. Cách khoảng mấy trăm mét là cơ quan Phân Bộ Cố Vấn Quân Sự Mỹ, (MACV) do đại tá George O. Adkisson là cố vấn cao cấp của Sư Đoàn 1 BB/ VNCH chỉ huy. Khu MACV gồm vài tòa nhà, gồm cả một khách sạn (Khách sạn Thuận Hóa,- ngd) được sửa chữa lại, có tường bao chung quanh. Toán Cố Vấn Quân Sự số 3 sống thoải mái ở đây.
Về lịch sử, Huế chưa bao giờ là một trung tâm quân sự nhưng lại là một thành phố nổi tiếng. Đó là trung tâm văn hóa Việt Nam, một nơi để học, để hồi tưởng truyền thống và giá trị của thời quá khứ. Huế được người ta biết tới vì có thành cổ, hoàng thành và lâu đài cung điện, với những cái tên như là Đại Nội, Tử Cấm Thành, điện Thái Hòa. Huế nổi tiếng với những khu vườn sum suê hoa trái, các hào thành chung quanh, cung điện sơn son thếp vàng, những công trình bằng đá đẻo phức tạp, mỹ thuật. Ở bờ nam có viện Đại Học, tòa Hành Chánh xây theo kiểu Pháp, Câu Lạc Bộ Thể thao có nhiều bãi cỏ rộng chạy dài tới bờ sông, và hàng hiên xây theo kiểu 1930. Huế có những con đường hai bên là hai hàng cây xanh, có tiếng chuông chùa, những kiến trúc thanh nhã kiểu Pháp Việt, và các nữ sinh mặc áo dài trắng bay theo gió, có mái tóc đen như lụa. Theo huyền thoại Phật Giáo, Huế là đóa sen mọc trong bùn, Huế là thành phố đẹp, thanh bình trong một đất nước đang có chiến tranh.
Đại úy Coolican cao 6 fít rưởi, là một người to con, quê ở vùng than đá Carbondale, Pennsylvania và khi ở mặt trận, ông ta như cái tháp che khuất các người lính Việt Nam nhỏ con. Có một điều đáng để ý giữa họ với nhau là trong thời gian 9 tháng làm cố vấn cho Sư Đoàn 1 BB/ VNCH, ông ta trở thành người của họ. Ông ta nói tiếng Việt, mặc đồng phục của họ, ăn cơm Việt, và khi bệnh hay bị thương thì được y sĩ Việt Nam điều trị. Ông ta biết văn hóa của người Việt và nể tài chiến đấu của họ. Coolican yêu người miền Nam Việt Nam.
Ông ta buồn bã nhận ra rằng ông là người thiểu số trong đám chiến hữu quanh ông. Nhìn chung, quân nhân Mỹ thường có cái nhìn chiếu cố đến người Việt, đặc biệt ở trong Quân Đội VNCH. Về phần Coolican, như tất cả các người Mỹ khác, cố gắng nhận xét mọi việc, mọi người, theo quan điểm của người Mỹ, chẳng biết gì về lịch sử và truyền thống người Việt Nam cả. Chẳng hạn như một anh lính Mỹ trẻ thường thấy người Việt Nam đưa tay lên thì cho rằng anh ta đang chiến đấu cho một đất nước đồi trụy, anh ta đâu có biết rằng lối đưa tay như thế là tỏ dấu bắt tay với người Mỹ. Hoặc như một lần Coolican chứng kiến, một đoàn xe Mỹ chạy ngang qua một làng quê, và thấy Nghĩa Quân rỗi rãi ngồi quanh với nhau tán chuyện gẫu, có người chẳng có súng ống gì cả, thì kết luận rằng người lính Việt Nam vô tích sự – và chưa bao giờ thấy Quân Đội VNCH đang hành quân. Cách nhìn như vậy hạn chế vì chưa từng trải kinh nghiệm, làm phiền Coolican không ít. Ông ta thấy người lính miền Nam hết sức can đảm, chiến đấu khéo léo, và luôn luôn sẵn sàng chống địch.
Đầu tiên là một cú sốc văn hóa có tác động đến ông ta. Trong một trận đánh từ nửa đêm tới sáng xảy ra phía nam Quảng Trị, khi ông ta còn ở Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 3; ông tiểu đoàn trưởng là một người can đảm và nổi tiếng giỏi, bị tử trận. Tới sáng, Coolican cho xếp thi hài những người tử trận bên đường chờ trực thăng tới bốc đi, thì ông ta bị kích động vì thấy lính tráng ngồi bên cạnh các xác chết một cách tỉnh bơ, ăn cơm, uống trà và nói đùa với nhau. Ông ta nói với một trong các sĩ quan trong tiểu đoàn rằng ông ta lấy làm lạ chẳng ai lưu tâm tới cái chết của cấp chỉ huy họ cả. Một người trả lời ông ta: “Dễ hiểu thôi, tại sao chúng tôi lại phải buồn. Ông ta là một người tốt, một người can đảm. Ông ta sống một đời tốt đẹp, chết một cách anh dũng thì gia đình ông ta phải tự hào chớ. Chết là số phận, ông ta thấy hạnh phúc cho số phận mình. Vì vậy, thay vì than khóc cho ông thì chúng tôi hân hạnh vì ông ấy.” Coolican cũng biết thêm rằng người Việt thường làm đám ma lớn để vinh danh cho người chết. Khi đánh nhau, người ta thường chuyển người chết đi sau khi cho tải thương những người bị thương nặng. Hoa Kỳ thì khác, người chết được chuyển đi sau cùng. Phải nhiều tháng ông ta mới quen cảnh sống như người Việt Nam. Họ có thể làm những điều khác ông, Coolican nghĩ vậy, nhưng cuối cùng thì cũng giống nhau cả vậy thôi.
Bởi vì hiểu được văn hóa Việt nên ông ta biết những ngày nghỉ Tết quan trọng đối với binh lính của ông như thế nào. Coolican, một người ngoại quốc, cảm thấy phải tham gia cùng với lính khi ngày lễ tết bắt đầu. Thấy có vài sĩ quan tham mưu, cố vấn và người lính truyền tin của toán Cố Vấn số 3 đang làm việc tại cơ quan MACV của đại tá Adkisson nên Coolican dự định vui tết với lính. Ông ta chào từ biệt các người trong nhóm rồi lên xe Jeep tới bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1/ BB.
Ông ta tính lái xe vô Thành Nội, đèn xe cắt một vệt sáng qua bóng đêm đen. Và Coolican dừng lại trước khi cho xe vượt qua chiếc cầu bắc ngang sông Hương (Cầu Trường Tiền – ngd). Coolican xuống xe, đứng yên lặng và nhìn quanh. Đêm thật đẹp và êm đềm, (trăng cao và sáng) (3). Cây bên bờ sông hiện thành bóng đen dài. Tuồng như chẳng có ai chung quanh.

Bên dưới cầu nước đen và lóng lánh, dưới ánh vàng của bóng trăng, sóng vỗ vào mạn thuyền bập bềnh dưới chân cầu. (4)
Phía hạ lưu, cách phía tây nam thành phố khoảng 4 cây số, trung úy Tân, một cấp chỉ huy Đại Đội Thám Báo của Sư Đoàn 1 đang ngồi với cố vấn của anh ta, một người thuộc Quân Đội Úc, WO2 Terry Egan và 36 binh lính. Họ đang ở gần bờ sông và theo dõi tình hình. Họ núp trong bóng đêm, chờ đợi và quan sát một cách lặng lẽ. Bất thần lúc 10 giờ đêm, súng nổ ở phía đông. Một đơn vị quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tấn công một đại đội địa phương quân. Họ nghe hai bên bắn qua lại rồi thấy bóng người di chuyển trong hàng cây. Trung úy Tân và Egan gọi điện báo cáo vị trí, quân số và trang bị của địch cho bộ tham mưu của tướng Trưởng. Họ ngồi trong bóng đêm im lặng quan sát địch quân thấm nhập qua phòng tuyến của họ. Ít ra có khoảng hai đại đội địch đang hướng về Huế.
Một giờ bốn mươi phút sau khi trung úy Tân báo cáo tin tức địch về bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, vào lúc 3giờ 40 sáng ngày thứ Tư 31 tháng Giêng/1968, quân CSBV và Việt Cộng tấn công thành phố Huế. Hỏa tiển và súng cối từ những ngọn đồi ở phía tây bắn xuống thành phố. Hỏa châu bừng sáng chiếu lên các mái nhà. Bộ binh CSBV tiến theo sau, vượt qua các cây cầu và tiến vào thành phố. Bên trong, một số Cộng quân thâm nhập vào trước bằng các phương tiện vận chuyển dân sự, nay thay quần áo binh lính, lấy súng cũng như tiếp liệu đạn dược, được bí mật chuyển vào thành phố từ trước.
Tại MACV ở bờ nam sông Hương, quân địch chỉ mới tấn công cửa chính. Một phi công vừa mới thực hiện chuyến bay quan sát về, đáp xuống phi trường trong Thành Nội (người Huế gọi là phi trường Tây Lộc hay phi trường Thành Nội – ngd) lái xe về tới cổng thì bị quân CSBV bắn. Khoảng một chục hỏa tiễn 122 ly từ trong bóng tối rít lên, bay vào, đào thành những cái hố sâu khoảng 8 bộ, một trái đạn phá một lỗ trên mái tòa nhà Trung Tâm Hành Quân (TOC), giết và làm bị thương mấy người bên trong, trong khi một trái khác thì phá hỏng một chiếc xe Jeep. Nhiều trái khác thì may mắn vì hỏa tiển bay quá hay không tới mục tiêu. Ngay những trái nổ đầu tiên, binh lính trong doanh trại đã ra ngay tuyến phòng thủ.

Hỏa tiễn ngưng rót vào. Vì một vài lý do nào đó, có một khoảng thời gian chừng 5 phút yên lặng trước khi quân CSBV tấn công. Năm phút nầy đủ cho binh sĩ chụp lấy súng đạn và chiếm vị trí của họ dọc theo bờ tường. Khoảng bốn chục lính CSBV từ những tòa nhà chung quanh MACV nổ súng dữ dội. Họ ôm theo chất nổ chạy tới các bức tường bao quanh MACV. Một anh binh nhì trẻ người Mỹ đứng trên tháp canh cao làm bằng gỗ nã súng máy vào chỗ các bức tường bị sập. Anh ta hạ khoảng năm sáu lính CSBV và làm cho cuộc tấn công chậm lại khoảng 5 phút. Rồi B-40 và lựu đạn bắn vào tháp canh. Bị thương nặng ở chân, anh ta la cầu cứu. Coolican bò tới chỗ tháp, dưới hỏa lực của địch, đem anh binh nhì xuống được.
Một trung đội CSBV tiếp tục tấn công, chiếm được cổng chính. Các TQLC (thuộc đơn vị an ninh ở Đà-Nẵng) tăng cường cho toán công sự giữ cổng chính, chận đứng được sức tấn công của địch mấy phút trước khi họ bị bắn bằng một quả B-40. Súng ở phía bờ tường bắn vào dữ dội. Coolican cùng binh lính núp sau chướng ngại bắn trả bằng cả súng M-79.
Việc anh binh nhì trên tháp canh và toán công sự phía cổng chính chặn được địch mấy phút đã giúp thiếu tá TQLC Frank Breth và người ở cùng phòng thuộc quân đội Úc lên được trên tầng lầu chót. Họ mang theo súng và lựu đạn. Breth bị thương – trái hỏa tiển bắn trúng xe Jeep, làm sập mái nhà, rơi trúng đầu ông ta khi đang ngủ, thủng một chỗ trên trán, nhưng ông ta kịp thời băng bó và bây giờ đã sẵn sàng đánh trả. Phía dưới đường, cách khoảng 40 bộ, ông ta thấy mấy lính CSBV còn sống – Họ có khoảng 16 người – cố gắng vượt qua cổng chính. Bọn họ mang chất nổ. Breth đảm trách chức vụ sĩ quan liên lạc tại MACV giữa Sư Đoàn TQLC Mỹ và Sư Đoàn 1 BB/VNCH, nhưng trước đó, ông ta phục vụ tại Cồn Tiên và bị thương khi làm đại đội trưởng nên có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Trong ánh sáng mờ mờ ông ta dùng M-16 quét sạch người lính CSBV nào vượt qua khỏi cổng chính, trong khi đồng đội của ông thì quăng hết trái lựu đạn nầy đến trái lựu đạn khác. Bên dưới xác địch trải dài ra từ cổng chính vào tới bên trong.
Địch chấm dứt cuộc tấn công bộ.
Quân CSBV chiếm các ngôi nhà chung quanh MACV, đặt súng máy tại các cửa sổ, bắn vào dữ dội. Hỏa tiển B-40 và súng cối cũng được xử dụng mạnh mẽ.

MACV không phải là một doanh trại, không trang bị vũ khí. Bên cạnh người Mỹ có một nhóm sĩ quan Úc chiến đấu giỏi. Họ có trữ vũ khí và đạn dược cho các cuộc hành quân dã ngoại. Nhờ vậy, mọi người được trang bị đầy đủ và sẵn sàng. Họ nghe súng nổ mọi phía nhưng quân CSBV không mở cuộc tấn công trực tiếp vào MACV nữa. Đại úy Coolican chẳng có cách nào trở về ngay tức khắc bên bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 BB/ VNCH ở trong Thành Nội. Ông ta chứng tỏ là một người chủ biết tổ chức an ninh cho doanh trại. Ông ta thu gom binh lính rải rác lại, và với sự trợ giúp của trung úy Steve Lampo, TQLC/ Hoa Kỳ, và trung úy Fred Drew, quân đội Mỹ, họ chia ra canh gác, tuần phòng và chuyển thương binh vào trạm xá.
Đại úy bác sĩ Stephen Bernie đóng ngay trong MACV, đang làm việc hết sức căng thẳng. Cần phải chuyển những người bị thương nặng tới một nơi có trang bị đầy đủ dụng cụ y khoa hơn. Có một trung tâm truyền tin dưới đường phố, cách MACV một lô nhà, không hiểu sao địch không chiếm nơi nầy. Do đó, việc liên lạc với bên ngoài vẫn còn tiếp tục. Yêu cầu cho trực thăng di tản thương binh được gởi ngay cho Bộ Chỉ Huy Cố Vấn Quân Đoàn 1 ở Đà-Nẵng, qua lực lượng đổ bộ TQLC III và Sư Đoàn 1 TQLC. Kết quả lời yêu cầu phải gởi quanh co như thế là: Chẳng có kết quả nào. Binh lính trong MACV cũng yêu cầu tiếp viện ngay tức khắc. Họ đang bị cô lập và khả năng liên lạc với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 BB/ VNCH cũng bị cắt nên họ không rõ những gì đang xảy ra trong Thành Nội. Kết quả lời yêu cầu của họ là chỉ có một ít tin tức tình báo. Họ không biết địch tấn công toàn quốc vào dịp Tết, ngay họ cũng không biết toàn bộ thành phố Huế bị địch chiếm hoặc họ biết cuộc tấn công nầy dữ dội nhưng hạn chế. Họ không biết như thế thật, nhưng hầu hết mọi nơi trong thành phố, quân CSBV và Việt Cọng muốn đi đâu thì đi, vượt qua các xác chết của binh lính VNCH, và bắt đầu đào hầm hố, thiết trí súng máy và súng cối trong nhà dân. Tất cả mọi người dân Huế đều ở trong nhà, đóng kín cửa, bối rối và lo lắng.
Trên bức trường thành trong Đại Nội, bên bờ sông Hương, một lá cờ xanh đỏ vàng của Việt Cọng treo trên cột cờ Ngọ Môn.
Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, địch chiếm được thành phố.
Hạ sĩ Carter đang ở trong hố cá nhân thì bị đánh thức dậy. Một người nói: “Tụi mình có lệnh báo động trăm phần trăm.” Carter ngồi dậy, cằn nhằn: “Mày chẳng nể gì tao. Tao mới ngủ một chút.”
Người tiểu đội trưởng cho biết bọn “Cùi” tấn công mọi chỗ. Có tin đồn Huế đã mất. Từ vị trí đại đội trên đỉnh đồi, Carter nhìn chăm chăm xuống thung lũng. Anh ta thấy nhiều vệt xanh đỏ nổ lốp bốp tới lui nơi đơn vị hỗn hợp Việt Mỹ đang trấn giữ một ngôi làng. Xa hơn nữa, anh ta có thấy các đốm lửa lòe sáng lên: Căn Cứ Phú Bài đang bị pháo kích bằng hỏa tiển.
Anh ta nghĩ: Ngày Tết thiêng liêng cái xái bò gì.
Bộ Chỉ Huy chính ở căn cứ Phú Bài là Lực Lượng Đặc Nhiệm (LLĐN) X-Ray, được gọi một cách chính thức hơn là Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Đoàn 1/ TQLC. Bộ Chỉ huy nầy được thành lập hôm 13 tháng Giêng vì trách nhiệm khu chiến thuật của Sư Đoàn được mở rộng, từ nam Đà-Nẵng tới gần bắc Huế.
-Ray chịu trách nhiệm khu vực từ đèo Hải Vân tới biên giới phía bắc của TAOR (Tactical Area Of Responsibility), có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Phú Bài, kiểm soát khu phía tây Huế và bảo vệ Quốc Lộ 1 từ đèo Hải Vân cho tới Huế. Đơn vị của các sư đoàn đã di chuyển vào khu vực, giải nhiệm cho các đơn vị của Sư Đoàn 3/ TQLC để các đơn vị nầy chuyển ra khu chiến thuật nằm phía nam Khu Phi Quân sự. Trên thực tế, Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc nhiệm X-Ray đảm nhiệm khoảng trống do Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3/ TQLC di chuyển để lại.
Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm là tướng Foster C. LaHue, phụ tá Tư lệnh Sư đoàn 1/ TQLC. Ông ta là một cựu chiến binh Thế Chiến Thứ Hai được thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc và Chiến Thương Bội Tinh. Tại Phú Bài, ông ta là cấp chỉ huy của hai trung đoàn 1 và 5/ TQLC, bốn tiểu đoàn bộ binh, toàn bộ các đơn vị yểm trợ gồm thiết giáp, pháo binh, quân vận, công binh và quân y. Tướng LaHue được đặt dưới quyền chỉ huy của Sư Đoàn (tướng Donn J. Robertson), Lực Lượng Đổ Bộ TQLC III (tướng Robert E. Cushman), toàn bộ khu vực hành quân, Quân đoàn I, dưới quyền kiểm soát của Nam Việt Nam đặt ở Đà-Nẵng: Trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Tại Phú Bài, sáng ngày 31 tháng Giêng, tin điện báo cáo được tới tấp đưa vào trình ở Bộ Chỉ Huy của tướng LaHue. Hoạt động của địch được Khu Chiến Thuật báo cáo: Các làng mạc đều bị tấn công, địch đánh phá các cầu trên Quốc Lộ 1, các vị trí của TQLC bị pháo bằng súng cối, các đơn vị hỗn hợp Việt-Mỹ bị địch quấy rối, tin tình báo cho biết địch sẽ tấn công thêm vài nơi và các đơn vị TQLC dưới quyền chỉ huy của tướng LaHue đang gặp đe dọa, nhưng không ai nắm chắc mục tiêu và cường độ tấn công của Cộng Sản. Chỉ là mới bắt đầu cuộc tấn công toàn diện vào dịp Tết, cùng một lúc, địch xuất hiện khắp nơi. Và người ta cũng đồn thành phố Huế bị bỏ ngõ. Lời kêu cứu xin tiếp viện của MACV đi lòng vòng tới Quân đoàn I, sau khi qua các đơn vị hữu trách, cuối cùng tới X-Ray. Khi bức điện kêu cứu đó tới tay tướng LaHue thì hình hình đã khác đi nhiều và cũng không biết chắc tình hình ở Huế lúc đó như thế nào nữa.
Lệnh từ Lực Lượng Đổ Bộ III yêu cầu gởi binh sĩ tăng cường Huế, nhưng tướng LaHue chỉ gởi một đại đội có thể sẵn sàng tiếp viện cho Huế mà thôi.
Chẳng ai biết hành động bằng cách nào. Nhưng phía địch ở Huế thì đã tập trung các tiểu đoàn 804, K4B, và K4C của trung đoàn 4 CSBV, các Tiểu đoàn 800 và 802, 806 của Trung Đoàn 6/ CSBV, Tiểu đoàn 810 độc lập của CSBV, Tiểu đoàn 12 và Tiểu đoàn đặc công Cổ-Bi. Đó là một lực lượng cở sư đoàn, kiểm soát mọi nơi trong thành phố, ngoại trừ MACV và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1/ BB.
Lực lượng chống Cộng Sản gồm có Đại Đội A của Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 1, Sư Đoàn 1/ TQLC. Họ tiến thẳng trên Quốc Lộ 1, con đường được đặt tên là “dãy phố buồn thiu” (5) vì nhiều người Pháp đã bỏ mình ở đây trong nhiều năm trước.
Alpha 1/ 1 là đơn vị được trang bị đầy đủ mà phần lớn là nhờ ông đại đội trưởng, đại úy Gordon D. Batcheller, một người to cao, khiêm tốn, thông minh và nghiêm nghị, mà vì khí hậu Việt Nam khó chịu vì ẩm ướt, nên ông ta cạo đầu trọc lóc.

Hai mươi tám tuổi, đại úy Batcheller sinh ở Boston, con thứ hai trong một gia đình có ba người con trai của một đô đốc hải quân. Khi còn trẻ, anh ta chẳng ưa đời lính vì hay di chuyển, phân ly, chẳng bao giờ quan tâm một cách nghiêm trang về việc thi hành quân dịch. Nhưng khi học tại trường đại học Princeton, anh ta được tiếng là người chơi banh bầu dục giỏi, và người ta bảo anh ta phải làm gì cho quê hương. Do đó, anh theo học trường đào tạo sĩ quan TQLC. Anh ta chỉ muốn phục vụ trong binh chủng nầy mà thôi, nhưng vì bị thương ở đầu gối nên không được nhận. Anh ta vội vàng bỏ ý định đăng lính. Nhưng khi học năm thứ nhất ở đại học, lương tâm anh ta lại thúc hối. Năm 1960, anh qua được việc khám sức khỏe, rồi tốt nghiệp sĩ quan. Sau hai năm mang lon trung úy, anh ta muốn mở rộng binh nghiệp.
Lần đầu tiên khi TQLC đổ bộ ở Đà Nẵng, Batcheller muốn trao nhiệm vụ ngay. Phải chờ hai năm, tới tháng Tám/ 1967, anh ta nhận lệnh lên đường đi Việt Nam, chào giã từ vợ con ra chiến trường. Anh ta rời nhiệm vụ tham mưu, sĩ quan tình báo đơn vị 1/ 1, một công việc bực bội, tìm chức vụ đại đội trưởng đại đội vũ khí nhẹ. Cuối cùng, vào dịp lễ Giáng sinh/ 1967, anh ta làm đại đội trưởng Đại Đội Alpha. Anh ta gọi đùa đó là món quà lớn lễ Giáng sinh.
Batcheller đang ngủ trong cái bạt vải tại căn cứ Phú Bài thì bị đánh thức dậy, có lệnh tập trung đại đội. Anh ta chẳng nhận được tin tức gì rõ ràng, chỉ bị đánh thức dậy mà thôi và nhiệm vụ là phối hợp với một đơn vị Quân Đội/ VNCH đóng ở bên ngoài căn cứ.
Anh ta gặp trở ngại là thiếu tin tình báo, đại đội thiếu quân số trầm trọng. Sĩ quan thì được luân phiên nghỉ ba ngày, trung đội trưởng trung đội 3 thì đang thụ huấn ở Đà-Nẵng. Trước đó mấy giờ, đại đội được trực thăng bốc từ Quảng Trị về (Một phần tiểu đoàn đặt dưới quyền kiểm soát của X-Ray), một chiếc trực thăng bốc lộn phần còn lại của trung đội 1 và hai ông thiếu úy và trung úy trung đội bị kẹt lại Quảng-Trị. Sáng hôm 31 tháng Giêng đó, Batcheller chỉ còn lại có trung sĩ J.L. Canley, pháo thủ đại đội, giọng nói rề rề, da đen, to con và nổi tiếng gan cùng mình; hiệu thính viên, hạ sĩ Larry Williams, trẻ, tóc vàng trông như thằng bé con, gốc California; còn lại đây nữa là trung đội 1 do trung sĩ C.D. Godfrey chỉ huy; trung đội 2 do hạ sĩ Bill Jackson quyền chỉ huy, anh nầy quê ở thành phố Nữu Ước, gan lì, 19 tuổi, phục vụ ở trung đội 6 tháng, có Chiến Thương Bội Tinh trong trận Cồn Tiên. Chỉ huy trung đội 3 là là trung sĩ Alfredo Gonzalez vì sĩ quan vắng mặt. Anh nầy ít nói, 21 tuổi, gốc Mexicô, quê ở thành phố biên giới Edinburg, tiểu bang Texas.
Batcheller tin tưởng những người nầy, họ là những TQLC đánh giặc giỏi.
Batcheller và các trung đội thiếu quân số nói trên lên mấy chiếc xe GMC ở Đại Đội C, Tiểu Đoàn Quân Vận 1 do trung úy Jerome Nadolski chỉ huy. Một xe GMC trí súng đại liên 50 đi đầu, một chiếc khác đi sau, giữ an ninh mặt hậu. Sau khi có hiệu lệnh, đoàn xe hướng về phía nam, bên ngoài thành phố Huế, tới điểm hẹn với đơn vị Quân đội VNCH. Trời sáng sớm, xám xịt và lạnh. Ai cũng khó chịu vì không biết điều gì sẽ xảy ra. Sau gần hai giờ đồng hồ, họ tới điểm hẹn. Đoàn xe dừng lại, chờ đơn vị Quân đội VNCH tới tăng cường, nhưng toán quân nầy chẳng bao giờ xuất hiện.
Đại úy Batcheller báo cáo về Phú Bài. Lệnh được thay đổi. Cho đoàn xe chạy vòng quanh, theo Quốc Lộ 1, gặp một đơn vị VNCH khác ở phía bắc Huế. Batcheller xem lại bản đồ. Đơn vị anh ta đã đi được một nửa đường. Đồng thời, khi họ đang di chuyển sát phía nam thành phố thì gặp một toán khác đang trên đường đi: 4 Chiến xa M-48 của Chi Đoàn 3 Chiến Xa, thuộc Sư Đoàn 3/ TQLC, một xe Jeep, và một xe cần trục do trung tá Edward J. LaMontagne, sĩ quan Sư Đoàn 3/ TQLC chỉ huy. Ông nầy đang thực hiện chuyến đi thường lệ trên Quốc Lộ 1, hộ tống cho đơn vị Hải Quân ở mặt Nam đặc trách vận chuyển tiếp liệu cho sư đoàn của ông ta ở Khu Phi Quân Sự. Tuy nhiên, tới gần sông đào Phú Cam (sông An Cựu), họ thấy một khung cảnh ngạc nhiên. Vài chiến xa của QĐ/ VNCH bị cháy, xác binh lính nằm bên cạnh. LaMontagne là một người thô kệch, có 3 năm kinh nghiệm đảm trách nhiệm vụ quân y cho Hải Quân và cố vấn cho TQLC/ VNCH. Ông ta vội tổ chức lại lực lượng để ứng phó với tình hình. Gặp Đại Đội Alpha là một ngẫu nhiên, cả hai kết hợp với nhau và tiếp tục lộ trình.
Batcheller lại nhận được lệnh mới: Tới giải cứu cho MACV đóng ở trong thành phố Huế. LaMontagne ra lệnh cho đoàn xe tiến nhanh hơn. Đoàn xe chạy bọc theo một làng ở phía nam, bất thần bị bắn sẻ. Ngay lần chạm súng đầu tiên nầy, vài TQLC Mỹ bị thương. Quân Mỹ bắn trả dữ dội vào các ngôi nhà và bụi cây hai bên đường trong khi chiến xa và xe GMC tiếp tục di chuyển. Một lúc sau đoàn xe vượt qua cầu An Cựu trên sông đào Phú Cam (sông An Cựu). Mặt cầu bị mấy lỗ hủng lớn do địch cố phá sập cầu nhưng không thành công. Nếu cầu sập, Cọng Sản sẽ cầm chân được lực lượng Mỹ ở Phú Cam vì phải chờ mới qua sông được thì MACV có thể bị đánh chiếm. Quân CSBV đã thất bại. TQLC Mỹ vượt sông An Cựu không có gì khó khăn. Batcheller ra lệnh dừng quân bên bờ sông. Trước mặt là con đường chạy giữa hai dãy phố (An Cựu), làm cho Batcheller nhớ tới một thành phố kiểu Châu Âu cổ: Những căn nhà gỗ hai tầng, nhà sát cạnh nhau, thiếu cả hè phố.
Đường sá lặng im.
Batcheller ra lệnh cho binh lính rời xe GMC leo lên xe tăng. Còn anh ta và hiệu thính viên, hạ sĩ Williams thì rời xe jeep leo lên pháo tháp chiếc chiến xa đi đầu. Anh ta ra lệnh: Đi. Chiếc xe tăng cuốn bụi lên mù mịt, tiếng máy xe gầm rú dữ dội. Để đề phòng, mọi người nã đạn vào các ngôi nhà hai bên đường.
Bất thần họ bị bắn trả.
Không biết hỏa tiển B-40 từ đâu bắn ra. Chiếc xe tăng của Batcheller bị giật mấy lần. Có tiếng nổ khác và súng AK-47 từ trong các ngôi nhà hai bên đường bắn ra. Tài xế xe tăng cố cho xe vượt nhanh tối đa. Cuối cùng chiếc xe thoát ra khỏi hai dãy nhà cay nghiệt và dừng lại tại bùng binh ở ngã tư đường, bên trái là cây xăng. TQLC đưa mấy người bị thương xuống núp dưới đường mương bên cạnh. Batcheller sợ anh ta bị thủng màng nhĩ vì tiếng nổ B-40 và bị mấy mảnh đạn nhỏ. Bấy giờ, anh ta bất thần nhận ra hạ sĩ Williams đâu mất tiêu. Có lẽ trái hỏa tiễn đẩy anh ta văng khỏi chiếc xe tăng. Anh ta thấy y tá, một người quê ở New-York, có biệt danh là Bác sĩ Brooklyn nằm bất động bên pháo tháp. Chân anh ta từ đầu gối trở xuống bay mất. Chỉ có một chút máu, Batcheller nhìn chằm chằm hai chân anh ta, bị cắt gọn như một miếng dồi. Brooklyn đã chết.
Sau lưng anh ta, trên đường phố súng vẫn nổ dữ dội. Mấy chiếc xe tăng vừa cố bắn trả vừa cố vượt qua hai dãy phố, tiếp tục bảo vệ thương binh.
Hạ sĩ Jackson nhảy xuống đường, gục đầu xuống đường mương. Chúa ơi! Chúa ơi! Thiệt là tệ. Anh ta thấy lính CSBV núp trên mái nhà, trong các cửa sổ, phóng như tên bắn trong các đường hẽm, nổ súng lia lịa. Các TQLC cũng bắn lại một cách điên cuồng. Người dân kẹt giữa hai lằn đạn.
Bất thần, Jackson thấy trung sĩ Gonzalez xông tới phía anh ta, máu chảy vì bị thương nhưng vẫn còn kéo theo che cho một TQLC khác. Jackson nhìn người lính đó. Té ra Williams, hiệu thính viên. Hai chân anh ta đầy máu. Y tá vội băng cho anh ta. Súng vẫn nổ, cỡ vài phút. Rồi xe tăng lại di chuyển về phía trước, lính núp phía sau xe, vừa đi vừa bắn, kéo các thương binh theo. Quân Bắc Việt bắn lộp độp chung quanh.
Cuối cùng họ tới được chỗ bùng binh An Cựu, có Batcheller ở đó.
Trước mặt họ là các đám ruộng lúa kéo dài ra, tới chỗ có hàng cây và mấy ngôi nhà. Con đường trước mặt cao hơn và cắt ngang đám ruộng. Có hai căn nhà lớn ở hai bên đường. Từ hai căn nhà nầy, súng máy bắn ra tạch tạch. Vài trái súng cối nổ quanh đám TQLC. Đại úy Batcheller và trung tá LaMontagne ra lệnh bắn trả. Đại bác 90 ly trên xe tăng và đại liên 50 bắn xối xả, vỏ đạn rơi leng keng xuống mặt đường. Súng của quân CSBV cứ tiếp tục nổ. TQLC tiếp tục bắn M-16 vào vị trí địch.
Con đường đi tới MACV còn xa, xe tăng tiếp tục tiến tới, bộ binh theo sau. Cây cối và cột điện thoại đổ ngang xuống đường, bị lá cây che khuất. Batcheller lom khom chạy theo sau chiếc xe tăng dẫn đầu. Anh ta chẳng liên lạc được với ai cả. Máy truyền tin bị nhiễu vì nhiều tiếng nói Việt Nam. Anh ta cũng chẳng biết đó là tiếng của quân Bắc hay Nam VN hoặc cả hai. Chung quanh anh ta, TQLC đang nã đạn vào các tòa nhà hai bên đường, vữa và bụi tung lên.
Họ giết hết mấy người lính CSBV trong hai tòa nhà, nhưng khi họ vượt qua hai ngôi nhà nầy thì súng máy lại nổ. Một lính Hải Quân và mấy người lính bị thương nằm dài trên đường. Batcheller trụ lại đằng sau xe tăng và cố kéo họ lui. Súng máy lại nổ. Người lính bị thương vuột khỏi tay Batcheller, chết vì một tiếng nổ. Bỗng Batcheller vướng cái ấm nấu nước, té mạnh xuống phía trái, vướng vào cuộn kẽm gai concertina.
Anh ta nhìn quanh, có mấy cái lỗ ở cánh tay phải trước, đùi phải và đầu gối trái. Máu thấm qua chiếc áo giáp. Anh ta nghĩ chắc là xuất huyết cho tới chết. Anh ta nghe tiếng súng nổ mau, tiếng la to gọi TQLC trở lui. Anh ta nằm đó, kẹt trong đám kẽm gai, nhìn qua các cành cây trên đầu. Anh ta thấy buổi sáng sớm trở nên u ám và mây che mất bầu trời xanh trong.
Batcheller bắt đầu cầu nguyện.
Khoảng trưa hôm đó, tin Đại Đội Alpha bị tấn công thiệt hại nặng về tới Phú Bài. Trung tá Marcus J. Gravel, tiểu đoàn trưởng 1/1 vội vàng tổ chức lực lượng phản công gồm có: Ông ta, thiếu tá Walter M. Murphy, sĩ quan hành quân, một vài người khác thuộc Đại Đội Chỉ Huy và Đại Đội 2/ 5.
Trung úy Richard Lyons, thuộc Hải Quân, sĩ quan tuyên úy 1/ 1 mới đi thăm thương binh của đại đội hiện điều trị tại Đà-Nẵng về, vừa bước ra khỏi sân bay trực thăng thì chiếc xe Jeep trờ tới. Ngồi trên xe là mấy TQLC, gồm cả Gravel và Murphy. Trung tá Gravel gọi anh ông ta: “Có muốn đi Huế đánh nhau trên đường phố không?” Lyons, ở Việt Nam đã gần một năm nay, nổi tiếng là một sĩ quan tuyên úy dã chiến tốt bụng, – Ngay cả khi ông ta cầm súng bắn che để di tản thương binh – leo lên xe Jeep. Xe lái tới khu Đại Đội 2/ 5 đang được lệnh tập trung. Gravel thiếu cả thì giờ để lập kế hoạch cho lực lượng phản công của ông. Chỉ vừa la to: “Lên xe”. Xong, đoàn xe hướng ra Quốc Lộ 1.
Qua cầu An-Cựu đã bị hỏng, họ chạy vào chỗ các chiến xa, xe GMC đang dồn lại và Đại Đội Alpha đang bị cầm chân. Do lệnh của Gravel, binh lính nhảy xuống xe và tiến tới. Lyons nhìn qua bên phải thấy xác mấy người dân thường nằm bên đường. Trong số có xác một người đàn bà chết đã cứng, hai tay đưa lên trời. Lyons nghĩ: Thật kinh hoàng. Rồi ông ta quên hết cả nóng và khát nước.
Xa hơn một chút, ở phía trước, mấy TQLC đang phòng thủ trên đường phố. Tuyên úy Lyons tiếp tục bò tới phía trước cùng mấy TQLC, tụm với nhau, nằm sát lề đường. Phía bên trái, ông ta thấy bóng một người bạn đang nằm cứng đơ: đại úy Batcheller. Giữa Batcheller và Lyons là 2 xác chết. Ông ta bò sát mặt đường đầy bụi và lá khô, làm dấu thánh giá lần chót cho hai người chết nầy. Bò tới gần hơn chút nữa, ông ta thấy Batcheller rõ hơn: bị thương nặng, trông gần chết. Điên tiết lên, Lyons cầm cây M-16 ria một tràng vào hàng cây bên phía ruộng lúa.
Lyons nghe Batcheller bảo ngưng bắn, làm thế chỉ tổ cho địch bắn lại như mưa mà thôi. Batcheller la to bảo Lyons bò lui.
Phía sau họ, chiếc xe Jeep của đại đội đang chồm lên. Người lái xe là đại úy Don Schultz, cho xe dừng lại để chuyển người bị thương đi. – Chiếc xe trở thành một mục tiêu ngon lành cho địch. Trung tá Gravel cố giải quyết tình hình thật nhanh: Trung sĩ của Trung Đội 1 bị thương ở chân. Gunny Canley trong ban chỉ huy đại đội, anh nầy vẫn còn tự đi được. Phía trước địch còn bắn liên tục. Điều nầy cũng không lạ. Canley là một trung sĩ nổi tiếng trong đại đội. Các TQLC cố kéo người bị thương về phía lực lượng cứu viện. Batcheller được mang tới bên kia đường, sau chiếc xe jeep. Hạ sĩ Jackson và mấy người khác cố bó cái chân gãy của cấp chỉ huy họ bằng cái cán xuổng và băng.
Đại úy Batcheller, trung sĩ Godfrey, hạ sĩ Williams và một số người khác cần di tản gấp. Gravel cúi xuống xem những người bị thương và quyết định chuyển họ lên xe GMC nhưng không cho ai hộ tống. Điều đó hết sức nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác. Ông ta không thể chia người để lo công việc nầy. TQLC vội chuyển người bị thương lên xe. Một anh lính nhảy lên ca-bin để lái nhưng bị bắn té xuống, bị thương ở mắt cá. Anh ta được chăm sóc qua loa rồi đưa vào nằm chung với mấy người bị thương trong thùng xe. Có người hỏi to: “Có ai lái xe không?” Một TQLC nhảy lên cầm tay lái. Trong cảnh đạn bay vèo vèo, chiếc xe dọt đi. Gravel, Jakson và những người còn lại chăm chú nhìn theo chiếc xe. Chẳng mấy chốc chiếc xe biến mất.

Khoảng gần tối thì chiếc xe chở đầy thương binh về tới Tiểu Đoàn Quân Y ở Phú Bài. Sau khi giải phẩu, đại úy Batcheller được chuyển vào phòng dưỡng bệnh, hạ sĩ hiệu thính viên nằm giường kế, mê man. Dưới tấm ra, chỗ cái chân hỏm sâu một khoảng. Batcheller khâm phục anh chàng trẻ nầy, anh ta cao to, đẹp trai và chơi thể thao giỏi. Hơn thế nữa, anh ta là một người trẻ, vào quân đội không phải vì bị động viên, hay muốn làm người hùng. Chẳng qua anh ta thấy mình có trách nhiệm với đất nước, không thể sống an nhàn nơi quê nhà trong khi bao nhiêu người trẻ khác đang chiến đấu và hy sinh bên kia nửa vòng địa cầu. Batcheller nghĩ: Larry đúng là một thanh niên hoàn hảo.
Ngay tối hôm đó, hạ sĩ Larry Williams qua đời ngay trên cái giường ấy trong bệnh viện dã chiến. Batcheller nhìn người ta kéo tấm ra lên phủ mặt Larry.
Từ phía hai bên hông, quân CSBC bắn như mưa. Hạ sĩ Jackson và hai TQLC khác đứng dậy chạy ra khỏi con đường lộ. Họ chạy lom khom dọc theo các bụi cây và xóm nhà lá rồi ẩn núp. Từ một căn nhà đúc, một tràng AK-47 bắn ra. Ba người lính TQLC bắn trả bằng M-16 rồi xông về hướng địch. Họ vụt lựu đạn, cánh của lớn bung ra. Họ phóng qua cửa trước khi địch chưa có phản ứng kịp thời. Hai lính CSBC đang núp bên trong chưa kịp kinh hoàng vì tiếng nổ thì chết ngay tức khắc.
Trước toán lính TQLC, trung tá LaMontagne nhận lãnh nhiệm vụ. Ông ta mới vượt qua một chiếc xe tăng của quân đội VNCH, họ thấy những người lính sống sót của đơn vị mới bị đánh tan nầy ở Phú Cam và bây giờ sát nhập với toán TQLC. Súng vẫn tiếp tục nổ, cày nát khu vực đang chiến đấu. TQLC núp sát vào lề đường. LaMontagne kéo theo mấy TQLC và hai chiếc xe tăng chạy băng qua cánh đồng về hướng MACV.
Bên trong MACV, người ta nghe súng nổ dữ dội phía còn đang đánh nhau. Rồi có tiếng xe tăng. Mấy người lính la lên mừng rỡ: Tuyệt diệu! Quân cứu viện tới.
Thiếu tá Breth thấy bóng người đi vào cổng chính và nhận ra đó là LaMontagne: thấp, lùn, và chưa bao giờ trông có vẽ xấu xí như vậy, miệng ngậm điếu xì-gà bự, hai chiếc xe tăng hai bên. Breth la to trong khi binh lính hoan hô: “Nhìn kìa. TQLC”.
LaMontagne vào cổng chính và cho biết ông ta cần giúp đỡ. Trước hết, Breth chỉ vào vị trí quân CSBV, ngay bên kia đường. Xe tăng nã đạn vào đó. Xong, họ tổ chức lại binh lính để giải cứu đơn vị 1/ 1 đang kẹt trên đường. Thiếu tá Breth và thiếu tá Wayne R. Swenson, sĩ quan liên lạc Lực Lượng Đặc Nhiệm (LLDN) X-Ray với Sư Đoàn 1BB/ VNCH tổ chức một nhóm gồm các binh sĩ tình nguyện, leo lên một chiếc xe tải dân sự. Đại úy Coolican và trung úy Lampo gom một toán khác leo lên đầy một chiếc GMC chuẩn bị tiến ra. Đại tá Adkisson yêu cầu họ ở lại doanh trại nhưng họ không nghe và hai chiếc xe tải dọt ra đường. Một chiến xa theo sau. Nhưng họ lại phải ngừng vì xe không vượt qua đám ruộng được nên phải nổ súng bắn chặn để phòng thủ.
Họ tiếp xúc với binh sĩ Đại Đội Alpha. LaMontagne ra lệnh di tản thương binh. Ông ta cùng Breth và Sewnson đang chỉ chỏ ra lệnh thì bất thần một loạt đạn bay tới làm ông ta hạ tay xuống tức khắc.
Cuối cùng những người bị thương được đưa lên xe tải, xe chạy về hướng MACV.
Trên đường, ở phía cuối toán lính 1/ 1, trung tá Gravel và thiếu tá Murphy đang tìm cách tiến tới. Gravel bỏ lại xe Jeep trên đường và ra lệnh cho Lyons ở lại với Ban Chỉ huy. Viên sĩ quan tuyên úy miễn cưỡng ở lại với họ. Lyons cho rằng Gravel là một cấp chỉ huy giỏi, đang gặp tình trạng hết sức nguy hiểm. Ông ta không ích kỷ, hoàn toàn quan tâm tới binh sĩ của mình. Ông ta đang ở với mấy người lính TQLC, hiệu thính viên bên cạnh, cần ăng-ten lắc lư phía trên; cảnh ấy không khác chi phất ngọn cờ đỏ trước con bò mộng. Lyons cố bò xa ra.
Đại đội Golf do đại úy Charle Meadows chỉ huy tiến lên trước, Đại Đội Alpha bị tổn thất nặng tiến theo sau. Họ dàn ra hai bên đường, cố nhìn cho rõ, canh chừng địch, thỉnh thoảng nổ súng đề phòng. Bất thần, một toán lính CSBV nổ súng từ phía trước, bên trái, rồi chúng bắt đầu chạy lui, từ nhà nầy qua nhà khác mà có lẽ chỗ đó là một ngôi trường.
Gravel lấy làm lạ. Sáu tháng ở Việt Nam và đây là lần đầu tiên ông ta thấy địch đang hoạt động.
Bồn chồn muốn tới MACV và không biết có gì trong những căn nhà ấy, ông ta ra lệnh cho binh sĩ tiếp tục đi mà không cần tấn công quân CSBV quanh ngôi trường. Khoảng vài trăm mét phía trước là một ngã tư. Quân CSBV đang trí một cây súng máy ở bên mặt và đang bắn vào TQLC đang núp sau xe tăng. Gravel thấy trung sĩ Gonzalez, trung đội trưởng Trung đội 1, đang bị thương, từ phía sau xe tăng phóng ra lề đường, bò dọc theo đường mương lên phía trước, vụt mấy trái lựu đạn, nổ ngay trên đầu ổ súng máy.
Khẩu súng máy im tiếng. Binh lính tiếp tục tiến tới.

Gravel nhìn lui con đường mới đi qua, thấy chiếc xe Jeep vẫn còn đó và sực nhớ ra rằng quân CSBV có thể lấy máy truyền tin trên xe. Ông ra lệnh cho một trong những người chỉ huy xe tăng nã vào chiếc xe Jeep một phát đạn. Chiếc xe Jeep bật tung lên. TQLC tiếp tục đi chuyển, tiếp xúc với binh lính của LaMontagne đang ở gần khu MACV. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều. Họ lên tinh thần, có thêm chỗ dựa, bây giờ lại có cả chiến xa. Hay nhứt lại là có thêm hai đại đội TQLC. Thiếu tá Swenson sau nầy kể lại: “Tôi hơi ngại. Tất cả chúng tôi chẳng ai sống sót nếu mấy người lính TQLC nầy không đến kịp lúc”.
Chung quanh MACV, địch vẫn còn nổ súng lác đác. Xe tăng bắn trả. TQLC của hai Đại Đội Alpha và Golf bố trí quanh khu MACV và con đường dẫn xuống bến tàu. Họ cũng giữ an ninh cầu Nguyễn Hoàng (Cầu Trường Tiền – ngd), trên Quốc Lộ 1, bắc ngang sông Hương và dẫn vào Thành Nội, bên phía đó có một bến tàu phụ thuận tiện cho Hải Quân.
Trong MAC.V, Breth giới thiệu Gravel với Adkisson. Breth ngạc nhiên khi Adkisson trả lời cộc lốc với Gravel là ông ta không cần lưu tâm lệnh lạc như thế nào cả. Binh sĩ ông ta ở lại đây và bảo vệ MAC.V. Adkisson là một người to cao, đẹp trai, mới nhận nhiệm vụ chỉ khoảng một tuần trước. Breth cho rằng ông ta phản ứng theo cách một sĩ quan tham mưu không tác chiến. Tuồng như ông ta không phải là người biết điều, hay lo lắng những điều nhỏ nhặt và chậm phản ứng vì chẳng biết việc gì đang xảy ra cả. Việc giới thiệu đẩy Gravel vào vị thế đối đầu với một người mà ông ta mới giải cứu xong.
Có khoảng vài chục người bị thương được gom lại trong MAC.V, đại úy Bernie, y sĩ, cố gắng chăm sóc thương binh hết mình trong khi ông đòi tản thương. Lời yêu cầu được điện đi. Thiếu tá Murphy và Canley tổ chức đưa thương binh ra bãi đáp trực thăng ngoài bến tàu. Breth và Sewnson biết rằng phải nhờ TQLC giúp đỡ. Coolican cũng giúp Murphy liên lạc với trực thăng. TQLC và chiến xa của QL/ VNCH bảo vệ an ninh cho bãi đáp. Một chiếc trực thăng loại lớn CH-46 Sea Knight từ Phú Bài bay tới, bỏ đạn xuống và chở người bị thương đi. Tới đợt thứ hai thì phần lớn thương binh đã được di chuyển.
Có một lúc tình hình tạm lắng dịu. Trong khi TQLC giữ vị trí chung quanh bãi đáp trực thăng, thiếu tá Breth, Murphy và Swenson; đại úy Coolican, trung úy Drew và Lampo đứng vòng tròn nói chuyện đằng sau mấy chiếc xe tăng, bỗng có tiếng đại bác không giật nổ. Breth nghiêng đầu đúng lúc thấy một đám bụi đen đang bung ra trên mặt sông. Viên đạn bay tới chỗ họ như mũi tên đen. Một cách kỳ lạ, viên đạn bay ngang ngực họ, vượt qua khỏi chỗ họ đứng và mấy chiếc xe tăng, chạm và nổ vào vách tòa nhà ở đằng sau, làm tòa nhà bay mất một góc. Họ cúi xuống. Quân Cộng Sản từ phía bên kia đầu cầu Trường Tiền bắn vào chỗ TQLC và bãi đáp trực thăng.
Thiếu tá Breth và người tài xế, hạ sĩ Robert Hull của Sư đoàn 3/ TQLC nhảy vào phía sau chiếc xe tăng của QĐ/ VNCH đang bảo vệ mặt hông. Họ leo lên chỗ trí khẩu súng đại liên 50 trên xe tăng. Breth bắn trả qua bên sông và Hull tiếp đạn. Những người khác chạy dạt ra và leo lên các xe tăng khác. Các người lính VNCH trên xe tăng sợ không dám mở nắp pháo tháp ra.
Hai chiếc tàu Hải quân xuất hiện trên sông, dùng đại liên 50 nòng đôi bắn dữ dội vào bờ sông bên kia. Chiếc máy bay tải thương thứ ba đáp xuống bãi đáp được rồi lại bay lên với đầy thương binh bên trong máy bay. Mọi việc yên lặng trở lại.
Trước đó cũng lâu, Bộ Tham mưu LLĐN X-Ray ở Phú Bài tiếp xúc với Gravel bằng truyền tin. Lệnh của tướng LaHue – từ Đà Nẵng nói thẳng với ông ta là phải đưa Đại đội 1/ 1 Alpha và 2/ 5 Golf vượt qua sông Hương vào trong thành Mang Cá với Sư đoàn 1/ BB, chỗ Bộ Tư lệnh của Tướng Trưởng. Nơi nầy cũng giống như MAC.V, đang bị tấn công nặng.
Gravel nghi ngờ việc ấy. Khó lòng giữ được MAC.V trước lực lượng Cộng Sản đông đảo trong thành phố. Tập trung qua sông tấn công là làm cho vị trí MAC.V hiện giờ thêm bị đe dọa. Ông ta thấy hoàn toàn chẳng có lý do gì phải hy sinh những gì đã gặt hái được bằng cách vượt qua sông trong tình hình lực lượng đang yếu kém. Không có tin tình báo nắm rõ tình hình địch như thế nào, không ai chắc được điều gì sẽ xảy ra. Gravel muốn củng cố vị trí MAC.V. Ông ta trả lời điện cho tướng LaHue như vậy. Lực lượng đặc nhiệm X-Ray phúc đáp: “Thi hành”.
Gravel chỉ có thể lắc đầu. LaHue không nắm rõ tình hình ở Huế. Gravel nghĩ rằng LaHue cho Huế là một xóm nhà lá chứ không phải là một thành phố có nhiều nhà cửa xây cất chắc chắn hiện đại hay sao? Có thể nào đưa ra một vài ví dụ báo cho bộ tham mưu ở xa biết sự thực về trận địa họ đang đối diện.
Gravel bỏ lại xe tăng của TQLC tại bãi đáp trực thăng vì ông ta cho rằng cầu Trường Tiền (Nguyễn Hoàng) yếu, không chịu nỗi sức nặng. Khi họ yêu cầu các chiến xa VNCH tháp tùng với họ thì toán xe tăng nầy từ chối.
Gravel bỏ lại Đại đội Alpha thiếu quân số và nhiều thương vong tại MAC.V, ra lệnh cho Đại đội Golf của đại úy Meadow tiến lên cầu, trong khi đó thì xe tăng VNCH và TQLC thì yểm trợ mặt hông, bắn dọc theo bờ sông. Trung đội đi đầu qua được nửa cầu thì súng nổ.
Mười người đi tiên phong chết và bị thương. Súng địch đặt ở xa. TQLC bắn trả vào đó. Hạ sĩ Lesler A. Tully, đi trước, nhảy vào một hầm súng của địch, giết 5 lính CSBV núp trong đó. Với hành động nầy, anh được thưởng Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao bạc. Cây cầu được an toàn, Gravel cùng ban tham mưu và phần còn lại của Đại đội Golf vượt qua cầu. Gravel nhìn vào hầm địch thấy năm người lính CSBV nằm gục trong đó, giống như mấy con sâu nằm trong cái hộp thiếc. Một người lính Bắc VN còn thở. Thông dịch viên của Gravel, một hạ sĩ TQLC quì xuống bên cạnh nói với anh ta, bằng tiếng Việt để hỏi tin tức. Người lính nầy chưa nói được gì thì tắt thở.
Những người bị thương được đưa lên xe, sĩ quan tuyên úy Lyons đi theo, quay trở lại MAC.V. Lúc ấy trời đã chiều, mặt trời còn chiếu trong mắt những người đang ở bên phía Thành Nội. Lính TQLC quẹo phía trái (theo đường Trần Hưng Đạo – ngd), đi qua từng căn nhà và hàng cây bên ngoài Thành Nội rồi ngoặt vào một con đường dẫn vào bức trường thành hùng vĩ (của Thượng Tứ, – ngd). Con đường nầy đi vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 1/ BB VNCH. Tiểu đội đi đầu vừa tới hàng cây thì bị phục kích. Từ những căn nhà phía trước, hỏa tiển B-40 và AK-47, súng máy và đại bác không giật nổ dữ dội. Đạn bắn xuống đường. Mảnh xi măng gạch vỡ bay tung tóe. Lính TQLC nằm sát vào ngưỡng cửa nhà dân hay núp trong các đường hẽm. Họ bắn trả. Người bị thương và chết còn nằm ngay tại chỗ, chưa kéo đi được. Y tá của Đại đội Golf, Donald, v.v… Kierkham chạy tới trước cố kéo những người bị thương. Anh ta cũng bị thương nhưng chẳng lưu tâm, tiếp tục giúp đỡ thương binh, băng bó qua loa cho họ. Anh ta chạy qua một vị trí bên kia đường. Một tràng đạn AK bắn anh chết ngay tại chỗ.
Đại đội của đại úy Meadow tới lui đều không được. Súng nổ liền hai giờ đồng hồ không dứt.
Đại đội Golf có 150 binh lính, có 5 chục vừa bị thương vừa chết. Gravel biết không thể tiếp tục được. Không thể chấp nhận thương vong như thế. Không cần chờ lệnh của LLĐN X-Ray, ông ta cho lệnh rút lui về bên kia sông. TQLC tung một loạt trái khói vàng. Quân CSBV bắn bừa vào đám khói trong khi TQLC Mỹ rút lui từng tấc một, kéo theo những người chết và bị thương.
Gravel gọi điện cho cho đại tá Adkisson, yêu cầu gởi người và trang bị tới giúp di tản thương binh. Vì MACV đang bị tấn công và có thể bị địch tràn ngập, Adkisson không đáp ứng lời yêu cầu. Vã ông ta cũng chẳng có lực lượng nào để giúp đỡ.
Phía bên kia cầu, Gravel vẫn chờ. Chẳng thấy dấu hiệu gì, ông ta tức điên lên. Cái ông đại tá chó má kia làm như MACV là tài sản riêng của ông ta, chẳng muốn giúp đỡ hay chia xẻ gì cùng với ai cả.
Gravel cùng với hiệu thính viên và người thông dịch TQLC chạy ngược về phía bên kia cầu, vào khu MAC.V và hỏi Adkisson giúp đỡ cái gì đâu? Adkisson đứng yên, chẳng nói gì cả. Gravel nổi đóa. Cuối cùng mấy sĩ quan trẻ cùng mấy binh nhì quân dịch tự động leo lên xe, lái chạy qua cầu, chở Gravel đi với họ. Mấy anh lính TQLC khôn khéo cột mấy chiếc xe của người Việt Nam đang đậu bên đường lại với nhau. Người bị thương và người chết được chất lên xe.
Quân CSBV vẫn còn bắn dữ dội. Một chiếc xe GMC của Mỹ từ phía bên kia cầu chạy qua dừng lại một bên cầu, bắt đầu bắn vào vị trí địch bằng đại liên 50. Breth từ bãi đáp trực thăng nhìn qua, thầm phục toán xạ thủ can đảm. Ông ta thấy có hai lính BV từ trong một căn nhà phóng ra. Cách khoảng mấy chục thước, hai người nầy quăng lui một bọc chất nổ. Chiếc xe GMC và người bị nổ tung lên.
Cuộc di tản vẫn tiếp tục.
Thiếu tá Murphy đi tới mấy chiếc xe để đích thân lo việc chuyển thương binh đi. Tuyên úy Lyons lúc nảy đi theo thương binh nay vừa theo xe GMC quay trở lại, chạy tới chỗ Murphy, giúp một anh TQLC mang một người bị thương lên xe. Bỗng một trái B-40 nổ dữ dội, đẩy Lyons văng ra một quảng cách đó mấy bước.
Ông ta nằm trên đất, rồi bò băng qua đường tìm chỗ núp. Lyons thấy máu chảy ướt cả chân vì mảnh đạn đâm vào đùi và tay. Một y tá chạy tới băng cho Lyons. Ông ta lại đứng dậy, khập khiểng giúp người ta chuyển số thương binh còn lại. Lyons chợt thấy Murphy nằm cách đó không xa, bị thương nặng vì quả đạn B-40 lúc nãy. Murphy vẫn còn tỉnh. Lyons giúp chuyển người bị thương lên xe trong khi đó thì chân ông ta sưng to lên, cuối cùng không đi được nữa. Các TQLC khác lo lắng cho tình trạng đau đớn của vị tuyên úy của họ, bèn đẩy ông lên xe GMC. Lyons cùng Murphy được chở về MACV.
Cần có thêm hỏa lực bắn qua cầu để chặn địch. Việc nầy là nhờ binh nhì Nolan J. Lala, một trong những tài xế GMC của Đại đội Quân vận 1. Lala tóc đen, 19 tuổi, bỏ học năm lớp 8, quê ở Denver, Colorado. Tính khí ngang tàng, hay gây chuyện rắc rối, trông sáng sủa, can đảm, nhưng chẳng bao giờ muốn tuân lệnh các ông trung sĩ hay sĩ quan chỉ huy, đặc biệt sau khi anh ta kiếm được một huy chương Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao bạc trong trận đánh nhau với Cộng Sản ở Huế. Lala đang ở bãi đáp trực thăng, quan sát bên kia sông, bỗng tự ý kêu thêm mấy tay tình nguyện nữa, nhảy lên xe, lái qua bên kia cầu. Khi anh ta vừa ngừng xe thì đám của anh trên xe nhảy xuống giúp tải thương binh. Lala thì tụt khỏi ghế tài xế leo lên vị trí xạ thủ đại liên trên xe. Anh ta bắn liên hồi, quét qua quét lại các vị trí địch. Mọi người cố làm cho xong việc để rút khỏi nơi đây. Lúc ấy, có một quân nhân mặc quân phục QĐ/ VNCH từ trong một cửa hàng bên đường chui ra. Qua thông dịch viên, người nầy cho biết ông ta là một trung úy y sĩ Nhảy Dù VNCH về quê ăn Tết. Chẳng có cách nào để xác minh lời ông ta cả. Tuy nhiên, đang có nhiều người bị thương, Gravel nghĩ rằng Chúa biết họ đang cần một y sĩ. Hãy nắm lấy dịp may. Gravel nói với thông dịch viên giữ ông bác sĩ nầy lại và đưa lên xe GMC về MAC.V. Mấy chiếc GMC và TQLC quay trở lại bên kia cầu, binh nhất Lala bắn yểm trợ. Anh ta là người lính cuối cùng trở về bờ phía nam.
Tại bãi đáp trực thăng, thiếu tá Breth gần như choáng váng khi thấy binh lính quay về. Súng trên cầu bắn rát đến nỗi ông ta có cảm tưởng như đốt pháo đêm lễ Độc lập Hoa Kỳ vậy.
Trong căn cứ MACV, Gravel lại đấu khẩu với Adkisson một lần nữa. Adkisson không thích ông bác sĩ Việt Nam. Ông ta nghĩ rằng đó có thể là một cán binh Việt Cộng giả dạng xâm nhập.
– “Ông ta là ai?”
– “Ông ta là bác sĩ.
– “Làm sao anh biết?”
– “Vì ông ta nói ông ta là bác sĩ.
Gravel thấy mệt, không phí thì giờ cho những chuyện lặt vặt như vậy. Ông ta cảm thấy bệnh vì một ông đại tá như vậy. TQLC chẳng ưa gì ông. Khi Gravel cố gom ban Chỉ huy trong MAC.V lại, nhưng Adkisson chẳng dành một ngôi nhà nào cho TQLC cả, để họ ở ngoài sân. Cuối cùng, Gravel mắng ông đại tá là thứ cứt bò và đòi đưa binh lính của mình ra khỏi MAC.V.
Cách MAC.V vài khu nhà, có mấy nhân viên dân sự Mỹ đang mắc kẹt trong trụ sở của cơ quan CORDS. Adkisson nói với Gravel cần di tản những người mắc kẹt nầy về MAC.V tức khắc. Một tiểu đội TQLC được lệnh đi giải cứu. Một chiến xa hộ tống. Bất thần cỡ mấy chục quả B-40 bắn vào xe tăng dữ dội. Chắn bùn, ống khói, xăng bung lên trời, cháy và bốc khói. Ở MAC.V nhìn ra ai cũng thấy khiếp. Người ta nghĩ rằng người trên xe chẳng ai còn sống. Vậy mà chiếc xe tăng chạy quay trở lui MACV. Xe mở nắp ra và thiếu tá Breth thấy người ngồi trong xe nhe răng cười. Thật là một khung cảnh kỳ lạ.
Chiếc chiến xa ấy cùng một chiếc khác vòng trở lại chỗ phục kích để cứu tiểu đội TQLC đang kẹt ở đó.
Để giúp di tản thương binh, thiếu tá Breth và Swenson tổ chức một toán khoảng hai chục người tình nguyện, gồm TQLC, bộ binh và quân nhân Úc vừa tiến vừa bắn cặp bên hông xe tăng. Một chiếc xe tăng khác bắn thủng một lỗ vách tường, nhờ đó, họ chui qua tường được và thấy một ngôi nhà thờ nhỏ bên trong đó. Tại đây có khoảng hai chục bà xơ cùng bốn chục em bé gái. Binh lính vẫn còn nổ súng nên những người dân thường nầy hết sức sợ hãi. Breth ra lệnh cho hai binh sĩ hộ tống những người dân nầy di tản đến MAC.V.
Nhóm binh sĩ tiếp tục di chuyển song song với các xe tăng và TQLC. Breth đi vào hành lang của một tòa nhà. Cùng đi với Breth là một tài xế xe GMC của Sư đoàn 1 Không Kỵ bất thần một đêm đi ngang Huế phải dừng xe ngủ lại. Hai người đi vào một căn phòng, thình lình nhìn qua của sổ thấy một người lính CSBV đứng trên đầu một bức tường bên ngoài. Breth chỉa súng và bóp cò. Chẳng kết quả gì. Tài xế GMC cũng chỉa súng về hướng đó bắn một tràng. Người lính CSBV vụt một trái lựu đạn về phía họ rồi phóng đi mất. Trái lựu đạn lăn trên mái nhà nhưng lại rơi vào chỗ núp của người lính CSBV nổ bùm, hất anh ta vào tường. Breth bắn một tràng M-16 và chạy ra phía cửa sổ. Bốn người lính CSBV từ đằng sau bức tường bỏ chạy. Breth và người tài xế đuổi theo, bắn mấy tràng đạn ngang hông họ. Cả bốn gục xuống.
Vì hết đạn, toán lính Mỹ quay lại MAC.V. Lúc nầy các xe tăng cũng như TQLC đem được mấy người bị thương thuộc toán đi tiên phong lúc nãy về. Trụ sở CORDS, nơi họ được lệnh tới giải cứu rơi vào tay CSBV.
Những người bị thương được đưa vào phòng quân y, bác sĩ Bernie chăm sóc cho họ. Lyons nằm trên một cái băng-ca gần Murphy. Một người lính TQLC trẻ bị thương đang nằm bên cạnh. Anh ta vừa đau vừa sợ, và khóc. Murphy gọi những người đã cáng anh lính tới, nói với họ là bảo anh ta im đi, mọi việc sẽ tốt đẹp cả thôi. Lyons lo lắng – Murphy bị thương nặng, nhưng anh ta vẫn còn tỉnh, còn khuyến khích được những người bị thương khác. Lyons thấy Murphy cũng như Gravel vậy, bao giờ cũng nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới bản thân mình.
Cách đó không xa, đại úy Coolican đang gọi xin máy bay tải thương. Nếu không chuyển đi gấp, nhiều người chắc phải chết, trong số có cả hiệu thính viên của ông ta là Frank Dozerman, một người bạn cũ: Walt Murphy, đang bị xuất huyết nội. Cuối cùng, người ta biết là đã quá trễ. Breth và Swenson đỡ tuyên úy Lyons dậy khỏi cáng, đưa tới chỗ Murphy. Lyons chỉ kịp làm phép thánh trước khi Murphy qua đời. Người ta lấy poncho đắp lên người ông và đặt xác ông vào chỗ an toàn. Breth, Coolican và Awenson từng phục vụ dưới quyền chỉ huy của Murphy một thời gian dài trước khi qua Việt Nam. Mọi người cảm thấy buồn và đau đớn. Khi Gravel được báo tin buồn nầy; ông có cảm tưởng như không còn nghị lực nữa. Ông ta và Murphy từng làm việc với nhau rất gần gủi, vui đùa với nhau, trải qua một mùa Lễ Tạ ơn ở Cồn Tiên, mùa Giáng Sinh ở Quảng Trị và mong muốn được làm việc ở Washington D.C. sau khi ở Việt Nam về.
Một lát sau, có tin máy bay tải thương đang trên đường bay tới.
Những người bị thương được đưa lên xe GMC và chuyển ra bãi đáp bên bờ sông Hương. Họ vừa đi vừa tác xạ mở đường, do đó số thương binh nặng của họ từ 16 tăng lên 2 chục. Trời tối đen như mực và sương mù, chiếc trực thăng đang bay trên đầu. Hạ sĩ Chisler, một người to cao và lanh lợi, da đen, thuộc đơn vị 1/ 1 TQLC liên lạc với phi công bằng máy truyền tin. Anh ta hướng dẫn cho phi công đáp máy bay xuống đúng ngay vị trí.
Phi công hỏi:
- “Anh ở đâu? Tôi không thấy.”
Hạ sĩ Chisler đưa tay đập nhẹ nhẹ vào mũi chiếc trực thăng. Phi công lại hỏi có bao nhiêu thương binh.
– “Hai chục, thưa ông.”
 – “Anh gọi có 16 người.”
Chisler nói: “Vâng. Đúng vậy, Nhưng có điều buồn cười khi đến đây, chúng tôi nghĩ là ông có thể chở thêm.”
Họ đưa người bị thương lên máy bay, một chiếc Sea-Knight. Phi công rồ máy bay khỏi bãi đáp. Một trong những người có mặt trên máy bay là Frank Dozerman, anh ta chết trên không, trên đường tới bệnh viện.
Các TQLC ở bãi đáp lại mở đường về lại căn cứ MAC.V.
Đêm hôm đó, tất cả bọn họ canh giữ MAC.V, bãi đáp trực thăng và bến tàu. Họ tổ chức lại đơn vị để phòng thủ đêm, phản ứng khi CSBV tấn công. Họ phát hiện địch, la hét, nguyền rủa, bắn trả ầm ầm. Quân CSBV ngưng bắn, các TQLC lo lắng bồn chồn, mệt mỏi, và nổ súng suốt đêm.
Trung tá Mark Gravel ngồi bên cạnh máy truyền tin. Chưa bao giờ ông ta thấy trống rỗng và tuyệt vọng đến như vậy. Bạn của ông, Gordon bị thương nhiều nơi trên mình bây giờ đang nằm một nơi nào đó trong bệnh viện. Chỉ có phép lạ mới cứu Batcheller khỏi chết. Anh chàng TQLC trẻ đáng nể, Larry Williams cũng đã chuyển đi rồi, không biết chết sống ra làm sao! Năm chục TQLC bị thương và chết khi vượt qua cầu Trường Tiền. Ông ta muốn chưởi thề một tiếng: Thật là phí phạm. Tại sao? Chỉ là vô nghĩa. Mạo hiểm vô ích qua cái cầu chết bằm ấy. Để làm gì? Để đi uống càphê với Tướng Trưởng, coi thử ông ta làm sao, bày tỏ lòng tôn kính. Với chỉ có hai đại đội thiếu quân số, Gravel tính thử Tướng Trưởng và sư đoàn của ông ta sao lại không đến tiếp xúc với Gravel?
Điều ông ta chỉ có thể cám ơn là quân CSBV nổ súng quá sớm vào Đại đội Golf khi đại đội nầy tìm đường vào Thành Nội. Nếu họ cứ bắn thật dữ và đẩy TQLC vào những con đường phố chằng chịt bên đó thì có lẽ chẳng ai còn sống hoặc bị bắt hết, và giữa họ và MAC.V chẳng còn gì nữa cả. Ông ta trầm ngâm suy nghĩ, việc ấy làm cho trận đánh cuối cùng của tướng Custer (6) trông giống như đi vào khu rừng gỗ. Gravel nghĩ rằng những chú lính CSBV nổ súng sớm là vì họ còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm. Hoặc có thể cấp chỉ huy của họ ra lệnh như thế. Dù bằng cách nào thì bên phía địch cũng đã cố xiết chặt hỏa lực của họ.
Đó là một ngày quá dài, Gravel không còn cảm thấy kiệt sức nhưng rõ ràng ông ta cũng thể tài nào ngủ được.
Đúng ra là năm Ất Dậu, 1885, Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết đánh úp quân Pháp ở Huế, thua trận. Triều đình và vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị.
Con sông đào nối với sông Hương tại ngã ba trường Bình Linh thường gọi là sông An-Cựu. Ca dao Huế có câu:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An-Cựu nắng đục mưa trong
Đôi ta như chỉ lộn vòng

Thương thì thương vậy nhưng chuyện vợ chồng khó nên.
Ngay chính người Huế cũng vậy, ai ai cũng gọi nó là sông An Cựu. Vì những lý do nào đó (?!), trên bản đồ quân sự xuất bản của Nha Địa Dư, trụ sở ở Đà-Lạt thời chế độ Ngô Đình Diệm, tự ý đổi tên sông đào An-Cựu thành sông đào Phú Cam. Tác giả cuốn sách nầy, viết lại theo tên trên bản đồ quân sự, nên gọi nó là sông Phú Cam. Phú Cam chỉ là một xóm, thuộc làng Phước Quả, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Gia Đình ông Ngô Đình Diệm, kể từ đời thân phụ ông là Ngô Đình Khả, định cư ở xóm nầy. Ông Ngô Đình Khả gốc ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo một số người Huế đã lớn tuổi nói cho tôi biết thì thật ra, quê quán ông Ngô Đình Khả cũng khộng thuộc làng Đại Phong mà thuộc một vạn chài, tức là làng “thủy cư”, thường neo thuyền kế làng Đại Phong. Để tránh cái gốc thuyền chài như Mặc Đăng Dung trong lịch sử, ông Ngô Đình Khả khai quê quán ở Đại Phong thay vì tên của vạn thuyền chài của ông.
(3) Đoạn nầy tác giả hư cấu nhưng không đúng thực tế vì đêm mồng một tết trời chỉ có một chút trăng lúc đầu hôm mà thôi. (Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, v.v…)
(4) Đoạn nầy cũng hư cấu không đúng. Vì tình hình an ninh, nhà cầm quyền Huế cấm neo thuyền thuyền dưới chân cầu.
(5) Street without joy (Con đường buồn thiu) của Bernard B. Fall. Bernard B. Fall chết vì mìn tại Phò Trạch, Thừa Thiên lúc 4giờ30 chiều ngày 21 tháng Hai năm 1967, thọ 40 tuổi, khi ông đi theo một toán TQLC Hoa Kỳ trong một cuộc hành quân. Lời cuối cùng của ông ghi trong máy ghi âm ông đeo trước ngực là Last reflections On A War (Những phản ảnh cuối cùng về một cuộc chiến –
(Xem “Con Đường Buồn Thiu” trong Viết Về Huế -tập 1)
(6)- Custer, George Armstrong (1839-76): Một sĩ quan kỵ binh nổi tiếng của Hoa Kỳ, ông tự chứng tỏ là một nhân vật lãnh đạo giỏi của lực lượng kỵ binh Liên Bang trong cuộc nội chiến Mỹ. Năm 1866 được chỉ định làm trung tá, tham gia lực lượng của tướng Hancock trong cuộc tiểu trừ bộ lạc Cheyenne. Trong một trận đánh nổi tiếng ở Little Bighorn (bắc Wyoming và nam Montana), ông bị giết chết.

No comments :

Post a Comment