Wednesday, February 24, 2016

BỘ NGOẠI GIAO TRẢ LỜI VỤ BẢO TRỢ THƯƠNG PHẾ BINH VNCH SANG MỸ


GARDEN GROVE, California Thứ Ba, Ngày 23 Tháng 02 Năm 2016 - Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa gởi thư trả lời Dân Biểu Alan Lowenthal về chuyện yêu cầu tái mở Chương Trình Ra Ði Trong Trật Tự (ODP) để thương phế binh VNCH có thể nộp đơn xin định cư tị nạn tại Hoa Kỳ.
Bức thư này đã được Dân Biểu Alan Lowenthal trình bày với ban giám đốc đài truyền hình SBTN và đại diện Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH khi ông đến thăm cơ sở truyền thông này hôm Thứ Bảy, 20 Tháng Hai..

Dân Biểu Lowenthal là một trong năm dân biểu Hoa Kỳ hôm 17 Tháng Mười Hai, 2015 viết thư đề nghị Bộ Ngoại Giao Mỹ xem xét việc mở lại chương trình ODP, để đưa hơn 500 cựu sĩ quan thương phế binh VNCH sang Hoa Kỳ định cư.
Lá thư đề ngày 20 Tháng Giêng gởi cho vị dân cử liên bang đại diện Ðịa Hạt 47 của California, được bà Julia Frifield, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách lập pháp, viết như sau: “Chúng tôi không có dự định tái mở chương trình ODP vào lúc này. Tuy nhiên, tình trạng chung đối với các thương phế binh ở Việt Nam là đã được Quốc Hội và chính quyền hiện nay cũng như trước đây của Mỹ đặc biệt chú ý. Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp gần $70 triệu giúp giải quyết quyền lợi và nhu cầu của thương phế binh ở Việt Nam kể từ năm 1989.”


“Trong những năm gần đây, sự trợ giúp của Hoa Kỳ đã dẫn đến việc chấp thuận Luật Người Khuyết Tật Quốc Gia và chuẩn thuận Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Quyền Lợi Của Người Khuyết Tật, cùng với điều khoản trực tiếp giúp đỡ hơn 12,000 người tại một số tỉnh ở Việt Nam, cũng như sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ địa phương, tập trung vào các vấn đề của người khuyết tật,” bà Frifield viết tiếp.

Bà Frifield cũng cho biết thêm: “Hồi Tháng Sáu, 2015, khi chúng tôi lần đầu tiên liên lạc với một nhóm trên 500 sĩ quan thương phế binh VNCH và gia đình họ, qua sự xác nhận của Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH ở Hoa Kỳ, chúng tôi cũng đã liên lạc với văn phòng US Mission Vietnam. Cả tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội và tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn đều xác nhận là họ không hề biết có trường hợp cụ thể nào đang xảy ra mà thương phế binh VNCH bị ngược đãi.”

Theo đài SBTN, Dân Biểu Alan Lowenthal cho biết bức thư trả lời của Bộ Ngoại Giao Mỹ có nhiều điểm chưa thỏa đáng vì “cả tòa đại sứ lẫn tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ đều không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với thương phế binh VNCH tại Việt Nam, cho nên không thể kết luận rằng họ có bị ngược đãi hay không.”

Nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc SBTN, cũng chỉ ra rằng trong khi đề cập đến $70 triệu của chính phủ Hoa Kỳ dùng để trợ giúp người tàn tật ở Việt Nam, “lá thư không hề đề cập gì đến việc bao nhiêu trong số tiền này đã được sử dụng cho thương phế binh VNCH.”
Dân Biểu Alan Lowenthal đã đề nghị đài SBTN và Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH thực hiện một số việc cụ thể, để chuẩn bị trả lời thư của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Ông cho biết: “Ðầu tiên là phải thu thập những bằng chứng về sự đối xử phân biệt, những điều kiện sống vô cùng khó khăn của các thương phế binh VNCH tại quê nhà. Cần phải có những tài liệu, dữ kiện cho thấy đây là những người đã bị bỏ quên trong suốt hơn 40 năm qua. Mặc dù có thể sự phân biệt đối xử này đã giảm dần hiện nay, nhưng nó vẫn đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và tinh thần của thương phế binh VNCH.”

“Thứ hai là phải làm sao vận động để có nhiều tiếng nói hơn nữa từ cộng đồng, từ các hội đoàn người Việt khắp nơi ở Hoa Kỳ cho vấn đề này. Tiếng nói của cử tri càng nhiều sẽ tác động càng mạnh đến các dân biểu, chính phủ,” SBTN trích lời ông Lowenthal nói.
Ông đề nghị: “Thứ ba là cộng đồng người Việt có thể chứng tỏ với chính phủ Hoa Kỳ rằng chúng ta sẵn sàng cưu mang những thương phế binh này, nếu họ được cho phép sang Hoa Kỳ định cư. Cộng đồng người Việt sẵn sàng nhận trách nhiệm cung cấp nơi ăn, chốn ở cho họ, để làm giảm gánh nặng ngân sách cho chính phủ Hoa Kỳ.”


Dân Biểu Lowenthal cũng nhắc nhở: “Ở thời điểm này, di dân là một vấn đề nhạy cảm chung của chính phủ Hoa Kỳ, chứ không riêng gì đối với cộng đồng người Việt.”
Trong buổi họp ở đài SBTN, cũng có người đề nghị sắp xếp để tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn gặp gỡ các thương phế binh VNCH tại Dòng Chúa Cứu Thế, nơi mà họ nhận được sự trợ giúp từ những linh mục, thiện nguyện viên, nhà hảo tâm, chứ không phải từ chính quyền CSVN.

“Còn rất nhiều việc cần phải làm để tiếp tục thúc đẩy chương trình này,” Dân Biểu Lowenthal nói.
Ông cũng cho biết, ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, sẽ trở về Mỹ vào Tháng Ba tới, và có dự định ghé thăm Little Saigon. Ông Lowenthal nói ông sẽ nêu vấn đề này khi gặp ông đại sứ, và nhắc cộng đồng Việt Nam cũng làm tương tự khi có dịp tiếp xúc với ông Ted Osius.
Nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết: “Mọi người đều đồng ý sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể làm được, để hoàn thành sứ mạng mà ai cũng biết sẽ gặp nhiều khó khăn này, bởi vì giúp đỡ thương phế binh VNCH là trách nhiệm của cộng đồng chúng ta. Ðây là những người đã hy sinh thân thể vả cả cuộc đời để bảo vệ tự do cho người dân miền Nam, và cũng là những người tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại hiện nay. Những người thương binh VNCH xứng đáng được tri ân như vậy.”
Trở lại bức thư của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Julia Frifield cho biết chương trình ODP Dành Cho Người Bị Tù Cộng Sản (HO) được thành lập để cung cấp cơ hội cho bất cứ người Việt Nam nào, chứ không chỉ là cựu sĩ quan VNCH, từng bị tù từ 3 năm trở lên, trong các trại tù Cộng Sản, bởi vì họ ủng hộ Hoa Kỳ hoặc làm việc cho chính quyền miền Nam Việt Nam, được nộp đơn xin định cư tị nạn.
Hàng ngàn cựu chiến binh, trong đó có cả thương phế binh, nhân viên chính phủ miền Nam Việt Nam, và những người khác, bị bắt đưa vào trại tù cải tạo, hoặc bị nhốt trong tù ít hơn 3 năm, không đạt tiêu chuẩn đòi hỏi, để có thể nộp đơn qua chương trình ODP.
Ðược biết, kể từ năm 2014, đài SBTN và Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH gặp một số vị dân cử liên bang thuộc lưỡng đảng để vận động điều chỉnh chương trình HO để các sĩ quan thương phế binh có thể sang Mỹ như những người Việt khác đã được đất nước Hoa Kỳ mở rộng vòng tay chào đón trong 40 năm qua.
Hôm 30 Tháng Tư, 2015, Thượng Viện California thông qua Nghị Quyết SJR 5, do Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đề nghị, kêu gọi chính phủ Mỹ cho phép thương phế binh VNCH định cư tại Hoa Kỳ. Sau đó, bà Janet Nguyễn đã chuyển nghị quyết này đến các giới chức hành pháp và lập pháp liên bang. (Ð.D.)

No comments :

Post a Comment