Phạm Thanh Nghiên đã
có dịp gửi đến quý độc giả hai buổi phóng vấn trước với năm vị khách mời là anh
Lê Hưng (Hải Phòng), ông Ngô Nhật Đăng (Hà Nội), bà Ngô Thị Hồng Lâm, một người
gốc miền Bắc hiện sinh sống tại Sài Gòn, Linh mục Đinh Hữu Thoại (Dòng chúa cứu
thế Sài Gòn) và anh Phạm Văn Hải, một blogger tại Nha Trang. Vị khách mời thứ
sáu và cũng là buổi phỏng vấn thứ ba liên tiếp xin được gửi đến quý vị những
chia sẻ của Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi. Buổi phỏng vẩn thứ 4 với một bạn sinh viên tại
miền Trung sẽ được chuyển đến quý độc giả vào ngày mai, ngày 18 tháng 1 năm
2014.
Nghệ sĩ ưu tú Kim
Chi, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Chi, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1943, tại Rạch
Giá.
Thân phụ nghệ sĩ Kim
Chi là liệt sĩ chống Pháp nên năm 11 tuổi (1954), bà đã phải tập kết ra Bắc.
Bà học khóa diễn
viên điện ảnh đầu tiên năm 1959-1962.
Năm 1964, bà Kim Chi
cùng chồng là Đạo Diễn Hồng Sến vượt Trường Sơn vào chiến trường. Bà vừa là diễn
viên, vừa là MC của đoàn Văn công “Giải phóng”.
Năm 1974, Nghệ Sỹ Kim Chi trở ra Bắc. Năm 1976 bà đi tu nghiệp đạo
diễn Sân khấu ở Bungaria. Năm 1978, về giảng dạy ở trường Sân Khấu 125 Cống Quỳnh
TPHCM (Sau sát nhập gọi là Trường Sân Khấu và điện ảnh.) Mãi đến năm 2011, Nghệ
Sỹ Kim Chi mới được phong NSUT. Bà đã
nghỉ hưu từ năm 2000 nhưng vẫn tham gia sáng tác sân khấu và điện ảnh, thỉnh
thoảng đóng phim.
Nghệ sĩ Kim Chi từng
tham gia nhiều bộ phim lớn của nền điện ảnh (cách mạng) Việt Nam. Năm 2013, bà
đã gây chấn động không chỉ giới văn nghệ sĩ mà còn còn gây chấn động dư luận
trong nước cũng như đối với những người Việt tại Hải ngoại bằng việc từ chối
làm hồ sơ khen thưởng nghệ sĩ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dùng với lời tuyên bố
đanh thép: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất
nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của
mình bị xúc phạm”.
Sau đây, xin mời quý
vị theo dõi cuộc trò chuyện của Phạm Thanh Nghiên với Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Trước hết cháu xin cảm
ơn Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi đã dành cho cháu, một phóng viên “bất đắc dĩ” buổi phỏng
vấn ngày hôm nay. Câu hỏi đầu tiên, xin cô cho biết cô biết gì về cuộc hải chiến
HS cách đây 40 năm?
Nghệ Sỹ Kim Chi: Mãi đến những ngày gần đây, qua email của bạn
bè gửi tới tôi mới biết chuyện có bảy mươi tư chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy
sinh năm 1974 để bảo vệ hải đảo Hoàng Sa. Điều này thật là một tệ hại đối với
kiến thức của tôi. Trong khi đó cách đây ba năm giáo sư Tương Lai đã chính thức
công khai trong buổi mít-tinh tự tổ chức lấy với nhau tại Câu lạc bộ Phaolô
Nguyễn Văn Bình ở đường Nguyễn Thông, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Xin cô cho biết cảm
nghĩ của cô đối với sự hi sinh của 74 người lính hải quân VNCH?
Nghệ Sỹ Kim Chi: Tôi vô cùng xúc động, ngưỡng mộ và biết ơn
những người lính VNCH đã anh dũng hy sinh để bảo vệ hải đảo Hoàng Sa thuộc lãnh
thổ VN của chúng ta.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Suy nghĩ của cô như
thế nào về những người lính của cả 2 bên chiến tuyến bảo vệ đất nước? Đối với
cô, có sự khác biệt gì không giữa những người lính VNCH như trung tá Ngụy Văn
Thà và đồng đội của ông với những người lính QĐVN đã hy sinh ở chiến trường
biên giới Việt-Trung vào năm 1979 và 1984?
Nghệ Sỹ Kim Chi:: Với tôi những ai sẵn sàng đem tính mạng của
mình ra để bảo vệ đất nước thì tôi đều coi tất cả là anh hùng. Người lính VNCH
năm xưa hy sinh để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa và người lính QĐVN hy sinh để bảo vệ
biên giới phía Bắc đều cao cả. Các anh đều xứng đáng được tôn vinh.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Ngày xưa những người
lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, ngày hôm nay cô nghĩ sao về điều ấy?
Nghệ Sỹ Kim Chi: "Ngụy quân, ngụy quyền, lính ngụy".
Chính bản thân tôi cũng từng dùng những từ này khi kể chuyện hoặc khi viết lách
mà không hiểu rõ ý nghĩa của từ ấy. Dùng như một thói quen theo sách báo và các
phương tiện truyền thông của CHXHCNVN. Về sau một người bạn thuộc đàn anh đã giảng
cho tôi hiểu từ "ngụy". Tôi thấy xấu hổ về sự kém hiểu biết của mình
và từ đó không bao giờ dám dùng nữa.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Cô có nghĩ là nên
vinh danh những người lính VNCH ở trận chiến HS năm 1974 không? Nếu có, cô có sẵn
sàng tham gia không?
Nghệ Sỹ Kim Chi: Vinh danh những người lính VNCH ở trận chiến
Hoàng Sa năm 1974 là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Nó biểu hiện lòng biết ơn
sâu sắc của nhân dân và đất nước đối với những người con ưu tú của Tổ Quốc VN.
Về việc này nhà nước
đi sau dân, dẫu muộn mằn nhưng như vậy là đáp ứng một nguyện vọng đã chín muồi
trong lòng nhân dân.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Theo cô, có những
tương đồng hay khác biệt gì giữa những người lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển
đảo và những công dân VN ngày nay xuống đường thể hiện lòng yêu nước và phản đối
Trung Quốc xâm lấn HS, TS và Biển Đông?
Nghệ Sỹ Kim Chi: Tôi vô cùng ngưỡng mộ những công dân VN đã
xuống đường biểu tình chống lại hành động lấn chiếm biến đông của Trung Quốc.
Những người ấy đã từng bị bắt bớ tù đầy mà vẫn không hề nao núng. Tôi ngưỡng mộ
và kính trọng họ.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Bốn mươi năm kể từ
ngày 74 chiến sĩ VNCH hy sinh để bảo vệ biển đảo, ngày hôm nay HS vẫn bị chiếm
đóng bởi TQ.
Theo cô cần phải có
những hành động, công việc cụ thể gì mà cá nhân cô- một nghệ sĩ có thể thực hiện
hay tham gia góp phần?
Nghệ Sỹ Kim Chi: Tôi nghĩ để góp phần thiết thực vào việc chống
TQ bành trướng chính là lên tiếng ủng hộ và bảo vệ những người dám xuống đường.
Tôi muốn viết một kịch bản để ca ngợi những gương hi sinh cao cả của những người
quên cả mạng sống của mình để đòi công lý. Tôi ước mong có nhiều văn nghệ sĩ mạnh
mẽ hơn trong sự bày tỏ chính kiến... Nhưng điều này hình như không nhiều người
đồng tình với suy nghĩ của tôi.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Thưa cô, hiện No- U
Hà Nội đang có Lời kêu gọi đồng bào tham gia Lễ tưởng niệm 40 hải chiến Hoàng
Sa năm 1974 vào 8 giờ 30 phút ngày 19 tháng 1 tại Hà Nội. Cô nghĩ sao về việc
này và cô có dự tính tham gia không?
Nghệ Sỹ Kim Chi: Chắc chắn vợ chồng tôi sẽ rủ nhiều bạn bè
cùng tham dự ngày lễ tưởng niệm các chiến sĩ VNCH. Một việc làm ý nghĩa như thế
làm sao có thể vắng mặt được.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Từ ngàn năm nay, qua
bất kỳ thời đại nào, chế độ nào người dân VN ta đều thể hiện lòng yêu nước nồng
nàn, cô có suy nghĩ gì về các bạn trẻ khác biệt về chính kiến? Ý cháu đang nhắc
đến những bạn vẫn đang ra sức truyền bá sự thật hiện tại và lịch sử về HS - TS
bất chấp khó khăn, thậm chí tù đầy trong khi nhiều bạn khác luôn muốn chối bỏ sự
thật lịch sử? Tại sao lại có hiện thực này thưa cô?
Nghệ Sỹ Kim Chi: Non sông đất nước chúng ta đời nào cũng dựa
vào sức mạnh của tuổi trẻ. Ngàn đời nay đội ngũ ra chiến trận đều là những
chàng trai cô gái. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và sức lực. Khi người ta yêu nước
thì người ta hành động để bảo vệ đất nước. Nhưng cũng có rất nhiều người e ngại
không muốn dấn thân. Điều đó cũng rất dễ hiểu thôi bởi họ còn nhiều lo toan cho
tương lai cá nhân: tiền tài, danh vọng, địa vị... Thậm chí những người đó cười
chê rằng kẻ dấn thân là ngu dại. Người ta quan niệm rằng tiền đồ cá nhân là
trên hết... Loại người này thường là con nhà giàu có hoặc con các quan chức.
Cái đích mà họ nhắm tới là những chiếc ghế, những tập đoàn kinh tế giàu sụ.
Cuộc sống cái tốt và
cái xấu lẫn lộn, đó là điều tất yếu.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên:Theo cô, 40 năm sau
những thế hệ tương lai sẽ đánh giá và nghĩ gì về thế hệ ngày hôm nay khi họ
cùng chung nhau tổ chức Kỷ niệm 40 năm hải chiến HS năm 1974?
Nghệ Sỹ Kim Chi: Vừa qua đã có kỷ niệm chiến tranh biên giới
Tây Nam, như thế là một bước khẳng định trở lại đường lối, và vấn đề hòa giải
hòa hợp dân tộc. Rồi kỷ niệm ngày mà Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng
Hòa. Đài truyền hình Đồng Nai đã truyền đi bộ phim "Hải chiến Hoàng
Sa" do Việt Nam Cộng Hòa quay trước 1975.
Đấy là những động
thái có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Nếu làm sáng tỏ những điều này ra phải gắn kết vấn
đề Dân chủ với động lực lòng yêu nước chống kẻ thù xâm lược. Khi hai yếu tố này
gắn kết lại với nhau, sẽ tạo nên nguồn động lực rất lớn, không gì có thể ngăn cản
được.
Từ trước đến nay vì
sợ mất lòng TQ nên ta đã né tránh sự thật.
Đó là một đường lối
sai lầm, không thể chấp nhận được. Bây giờ nêu gắn Yêu nước với Dân chủ thì
không gì hay hơn.
Đã đến lúc phải có một
chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, mới có thể tạo nên động lực mới để xây
dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Tôi hy vọng rằng việc
tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ là khởi đầu cho sự xóa
bỏ những ngăn cách để đi đến sự hòa giải dân tộc vốn đã quá nhiều khổ đau mất
mát. Tôi khát khao một ngày mọi người nắm chặt tay nhau để kiến tạo đất nước.
Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên: Cháu xin cảm ơn Nghệ
sĩ Ưu tú Kim Chi đã dành cho cháu buổi trò chuyện ngày hôm nay. Kính chúc cô sức
khỏe, bình an và mong rằng, Dân chủ sẽ hiện diện trên quê hương ta trong một
tương lai không xa. Và Hoàng Sa, Trường Sa sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam như
mong muốn của cô, của cháu và của hàng triệu con dân nước Việt.
No comments :
Post a Comment