LTS.- Có những sự kiện trong lịch sử
của nhân loại nói chung, hay của một dân tộc nói riêng, đã khắc sâu vào tâm khảm
của con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại Việt Nam, cho tới nay không
người nào khi kể tới bao hành động lừa bịp, khủng bố dã man, tàn ác đối với người
dân Việt của tập đoàn cai trị Hồ chí Minh cùng cái đảng Cộng-sản của chúng,
thêm vào việc tự nguyện làm tay sai cho Nga, Tàu, để lần lượt cắt nhượng, dâng
biếu ngoại bang từ lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo, tài nguyên thiên nhiên lẫn nhân
lực, thì mọi người đều đã nhận chân ra được: Chúng là lũ Việt-gian! Chúng là lũ
tội đồ của dân tộc.
Trớ trêu thay, trong cộng đồng người
Việt tỵ nạn cộng-sản tại hải ngoại, hiện nay vẫn còn những bè đảng cũng mạo nhận
là người "Quốc-gia", "chống cộng", nhưng hành động của
chúng lại làm tay sai cho Việt-gian cộng-sản, tức là làm lợi cho tập đoàn việt-gian
cộng-sản đang cai trị gần chín chục triệu người dân Việt trong nước để kéo cả
nước xuống tình trạng suy đồi mọi mặt như hiện nay! Thêm vào đó, hiểm họa nô lệ
giặc Bắc phương cũng gần kề!
Nhận thấy bài viết: "Những
sự thật về cái chết của Hoàng Cơ Minh" dưới đây, của tác giả Nguyễn
Toàn đến nay vẫn còn giá trị thời sự; bài viết nói về sự thật của "Mặt
Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam", viết tắt là "Mặt
Trận" và hiện nay là cái đảng Việt Tân. Đảng Việt
Tân đã được đoàn viên "Mặt Trận" cho ra đời
ngày 19/9/2004, tại Berlin, Đức quốc.
- Hoàng Cơ Minh đã chết như thế
nào?
- Các tướng Thái khai thác “dịch vụ
kháng chiến” ra sao?
- Ai chủ trương Khủng Bố người làm
báo?
- Nhóm Nguyễn Đồng Sơn và những mưu đồ
mới.
Nguyễn Toàn - Trước khi nói đến cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, thiết
tưởng cần phải lội ngược lại thời gian, khi “Mặt Trận” được thành lập, và những
hoạt động của nó, để từ đó đưa đến cái chết tăm tối của người đứng đầu tổ chức
từng được xảo thuật tuyên truyền của “Mặt trận” đưa lên cao như một vị anh hùng
dân tộc.
Từ Thu Tiền Ở Hải Ngoại, Đến “Chiến Khu Quốc Nội”
Thật ra, vào năm 1982, khi hai ông Hoàng Cơ Minh và Phạm Văn
Liễu dựng ra “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam” (MTQGTNGPVN),
thì nhóm này chỉ đưa được có 8 (tám) người về Thái Lan. Nhưng, nhờ biết cướp
thời cơ lúc tinh thần người Việt lưu vong đang lên cao, và nhất là nhờ những
xảo thuật tuyên truyền lừa bịp như mấy phút phim video “Đông Tiến” dàn cảnh ở
Thái Lan, “Mặt Trận” đã đưa “uy tín” của “Chủ tịch Hoàng Cơ Minh” và phe nhóm
lên rất cao.
Trong khi “chiến khu quốc nội” chỉ có trên phim video, thì
tại hải ngoại, “Phong Trào Yểm Trợ Kháng Chiến” do ông Phạm Ngọc Lũy chủ xướng
tha hồ thu góp tiền bạc, các “cán bộ lãnh đạo Mặt Trận” trở thành những “quan
lớn phục quốc” và hách dịch. Đoàn viên “Mặt Trận” thì vênh váo, làm như là sắp
giải phóng được đất nước tới nơi và sắp đè đầu, cưỡi cổ thiên hạ. Đây là giai
đoạn cực thịnh của nhóm Minh-Liễu, vì đã thành công trong việc đánh lừa được đa
số người Việt tỵ nạn, khiến một số ít người phát giác được trò lừa bịp của “Mặt
Trận” có nói lên cũng không mấy ai tin, mà còn bị chụp mũ là Việt cộng, hoặc bị
khủng bố…
Năm 1983, ông Hoàng Cơ Minh từ “chiến khu quốc nội” về Hoa
Kỳ với chiếc khăn rằn quàng cổ để mở “Đại Hội Chính Nghĩa”, tuyên bố là đã
“thống hợp được 36 (ba mươi sáu) tổ chức kháng chiến gồm 10,000 (mười ngàn) tay
súng ở quốc nội”, nhưng sự thật “chiến khu” này chỉ là một mảnh rừng ở
Buntharit, thuộc tỉnh Uborn, được viên tướng Thái Sút-Sai, Tư lệnh đơn vị 309
Tình báo làm ngơ cho sử dụng với số tiền “trà nước” lúc đầu khoảng 2,000/ 3,000
đô la Mỹ, và phải đóng “hụi chết” hàng tháng từ một tới ba ngàn Mỹ kim,
chưa kể quà cáp biếu xén các bà tướng, bà tá “nước bạn”.
“Chiến khu” này, chính là nơi đã được nhóm Minh-Liễu dùng để
khai sinh “MTQGTNGPVN” vào ngày 8.3.1982, công bố “Cương lĩnh chính trị” kêu
gọi “người người nổi dậy, nhà nhà thành công chiến đấu chống lại bạo quyền cộng
sản”. Tuy trình diễn rình rang và hô hào đao to búa lớn như vậy, nhưng thực ra
như trên đã nói, cán bộ nòng cốt của “Mặt Trận” tại “chiến khu” không quá 8
(tám) người (trong đó, có Hoàng Cơ Minh, Lê H., Nguyễn kim H., Nguyễn Trọng H.
Lạc), còn các “kháng chiến quân” xuất hiện trong video hầu hết là… thuê của
Thái Lan!
Tàn Ác và Sắt Máu
Tuy số cán bộ của “Mặt Trận” tại “chiến khu” đếm không đủ
mười đầu ngón tay, nhưng Hoàng Cơ Minh đã phong tướng… không quân cho tả hữu.
Cựu Trung tá Nhảy dù Lê H., bí danh Đặng Quốc Hiền, được phong “Tướng Tư lệnh
Lực lượng Kháng chiến”, cựu Đại tá Dương Văn Tư (gia nhập “Mặt Trận” từ trại tỵ
nạn Thái Lan) được phong “Tướng Tư lệnh Chiến khu (ở Uborn), ông cựu Trung úy
Phòng 7 Bộ Tham Mưu Nguyễn Trọng H., bí danh Huy, được thăng “Đại tá Tư lệnh
phó Lực lượng Vũ trang. Huy có một Album hình ảnh “Lễ Tuyên Bố Cương Lĩnh Mặt
Trận” và sinh hoạt ở “chiến khu” đem vào các trại tỵ nạn để tuyên truyền và
tuyển mộ quân.
Trong thời gian 1982-1983, có hai người Việt làm việc cho
Tòa Đại Sứ Mỹ ở Bangkok là các ông V. và N., đã giúp nhóm Hoàng Cơ Minh rất
nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian sôi nổi lúc đầu, những người có mặt tại
Thái Lan đã thấy rõ hơn ai hết chân tướng của phe nhóm Hoàng Cơ Minh, nên ai có
thể xa lánh dược, thì xa lánh, ai bị “kẹt” thì bất bình và bất mãn. Để trấn áp
các sự phản kháng và ngăn chận “đào ngũ” Hoàng Cơ Minh đã cho thi hành kỷ luật
thép, và hơn thế nữa, đã dùng sự tàn ác sắt máu đối với những người bất tuân
phục. Không kể một số thanh niên vô danh theo “Mặt Trận” từ các trại tỵ nạn,
sau đó, đã bị thủ tiêu vì định bỏ “chiến khu”, còn những cái chết bí ẩn của một
số người được dư luận biết đến. Được nói tới nhiều nhất là cái chết của Kỹ sư
Ngô Chí (Trí) Dũng, một thanh niên trí thức đầy nhiệt huyết đã bỏ đời sống êm
ấm tiện nghi ở Nhật Bản đi theo “Mặt Trận”, người đóng góp rất nhiều cho “Mặt Trận”
và cũng là người đã nuôi dưỡng “Chủ tịch Hoàng Cơ Minh” lúc còn bôn ba… ăn nhờ
ở đậu tại Nhật. Ông Dũng đã tới sống tại “chiến khu” và rồi không biết chuyện
gì đã xẩy ra, mà sau đó, ông Dũng bị giết chết hết sức bất ngờ, xác được vùi ở
một khu rừng chồi tại Buntharit. Một người khác là bác sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, một
cựu sĩ quan trợ y trong QLVNCH được “Mặt Trận” tuyển mộ tại trại tỵ nạn, và
thăng chức bác sĩ. Ông Nhiều đã bị “Mặt Trận” xử tử. Chưa kể Đại tá Dương Văn
Tư chết vì bệnh hoạn và thiếu dinh dưỡng, ít nhất cũng có ba người bị thủ tiêu
tại “chiến khu” trong một thời gian ngắn.
Cái chết của Hoàng Cơ Minh
Vào năm 1985, khi tại Hoa Kỳ, cánh Phạm Văn Liễu, Trần Minh
Công tách ra khỏi “Mặt Trận” và những mánh lới lừa bịp nhằm moi tiền đồng bào
được chính các thủ phạm vạch áo cho người xem lưng, thì cũng là lúc tại Thái
Lan, nhà cầm quyền nước này làm khó dễ, trục xuất toàn bộ nhóm Hoàng Cơ Minh về
Mỹ (trong đó có Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Kim H. Nguyễn Trọng H…). Thật ra, Hoàng
Cơ Minh không mấy khi có mặt tại Thái Lan. Thỉnh thoảng Hoàng Cơ Minh có qua
Thái Lan, nhưng thường ở căn nhà tại khu Sảm-Sẻn, được gọi là “Hậu trạm”, chứ
ít khi ông ta xuất hiện tại “chiến khu”.
Khi xảy ra vụ các “chiến hữu” chia ra hai phe bôi mặt đá nhau vì
ăn chia không đồng đều và “Mặt Trận” đang trên đà tan rã thì Hoàng Cơ Minh ở
luôn tại San Jose, Bắc California, thỉnh thoảng tới họp với các “xứ bộ” còn
trung thành để làm ra vẻ “Mặt Trận” vẫn còn mạnh lắm. Ông ta mặc đồ lớn, chứ
không còn mặc áo bà ba, cuốn khăn rằn ở cổ nữa!
Trong khi đó, “chiến khu quốc nội” tại Thái Lan lâm cảnh rắn không
đầu, và bị “đuổi nhà” nên tự động tan rã, và còn một ít người vì lý do này hay
lý do khác phải sống chết với “Mặt Trận” thì di chuyển lên vùng Udon.
Gần cuối năm 1987, sau khi tạm “củng cố hàng ngũ” còn lại ở quốc
ngoại, Hoàng Cơ Minh lại vận động đút lót để được trở lại “quốc nội Thái Lan”
nhưng vừa đặt chân đến đất Thái, ông ta đã nhận được lệnh của viên tướng Svet,
Tư lệnh vùng biên giới, bắt phải đổi căn cứ lên miền Bắc Thái. Hoàng Cơ Minh
không còn cách nào khác hơn là phải tuân lệnh viên tướng Thái này, một lần nữa
phải di chuyển căn cứ từ Udon lên Bắc Thái với dự định lập căn cứ mới tại khu
Bukdahan, sát biên giới Thái-Lào. Chính trong cuộc di hành này, mà Hoàng Cơ
Minh đã bị một số “kháng chiến quân” bắn chết. Bốn người trong số “kháng chiến
quân” từng bị Hoàng Cơ Minh bỏ rơi ở Thái Lan từ năm 1985, với sự xúi dục
của tên Lưu Tuấn Hùng đã bất ngờ rút súng bắn sả vào Hoàng Cơ Minh trong lúc
đang đi dọc đường. Cần mở một dấu ngoặc ở đây để nói thêm về Lưu Tuấn Hùng. Y
là một tên gián điệp Việt cộng dưới quyền điều khiển của Trung tá công an
Việt Cộng “Việt Dũng” thuộc “Sở công an TP Hồ chí Minh”, được gửi đi vượt biên
với ý đồ trường kỳ mai phục hoạt động trong các lực lượng chống cộng ở hải
ngoại. Năm 1983, Lưu Tuấn Hùng được cựu Trung tá Nguyễn văn H. người từ trại tỵ
nạn Sikiew ra làm việc cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ ở Aranya Prathet đưa ra khỏi
trại để điều tra và định dùng y xâm nhập Việt Nam, nhưng rồi kế hoạch không được
thực hiện. Hùng được trả về trại Sikiew. (Ông NVH hiện cư ngụ ở Virginia. Vài
tháng sau, người ta thấy Nguyễn Kim H. và Nguyễn Trọng H. đến trại tiếp xúc với
Lưu Tuấn Hùng và kết nạp y làm “Đại diện Mặt Trận” tại Sikiew. Hắn đã mua chuộc
được sự tín nhiệm của Hoàng Cơ Minh và được ông này sử dụng làm “tùy viên”.
Chính Lưu Tuấn Hùng đã
xúi dục bốn người khác giết chết Hoàng Cơ Minh để đoạt hai ký lô vàng mà ông này mang theo định để đút lót các viên chức Thái trong việc lập lại “chiến
khu” mới.
Sau khi Hoàng Cơ Minh “chết”, nhóm người đi theo ông ta (độ 60
người) sợ bị Thái Lan bắt trừng trị, nên không còn con đường nào khác hơn là
tạm thời vượt sông Mekong kéo nhau sang Nam Lào, không may lọt vào ổ phục kích
của Lào Cộng, bị sát hại một số, còn một số bị bắt làm tù binh Việt Nam, trong
số này có cả Lưu Tuấn Hùng. Bởi vậy, người biết chuyện không hề ngạc nhiên khi
được tin “Tòa án nhân dân TP Hồ chí Minh” chỉ xử Lưu Tuấn Hùng tù treo!
Một chế độ cộng sản sắt máu không bao giờ xử án treo kẻ đã vượt biên trốn ra
khỏi nước, gia nhập lực lượng kháng chiến và trở về chống phá chúng bằng vũ
khí. Trừ khi kẻ ấy là người của chúng cài vào. Chi tiết về cái chết của Hoàng
Cơ Minh đã được một số sĩ quan cao cấp Thái, trong đó, có Đại tá Thamasak
thuộc Lực Lượng Đặc Nhiệm 80 ở vùng biên giới Prachinburi, xác nhận với kẻ viết
bài này.
Nhóm Nguyễn Đồng Sơn và
những mưu đồ mới:
Sau khi Hoàng Cơ Minh chết, MTQGTHGPVN không dám công bố tin tức
này, vì sợ “Mặt Trận” tan rã và hơn nữa sợ nội bộ sẽ xâu xé nhau để giành giựt
tiền bạc vì nhờ số tiền bịp bợm quyên góp được của đồng bào khắp nơi trong mấy
năm, “Mặt Trận” đã sử dụng để kinh tài dưới nhiều hình thức như:
Hệ thống Phở Hòa, hệ thống
Phở Bằng, hệ thống tàu đánh cá, hệ thống xuất nhập cảng hàng Á châu (nhất là thực
phẩm), tiệm bida, mua nhà cho thuê… sau nhiều năm đã sinh lợi rất nhiều.
Vào tháng 5.1988 vừa qua, Nguyễn K.H., bí danh Nguyễn Kim, “Tổng
vụ trưởng Tổng vụ Hải Ngoại MTQGTNGPVN” đã cùng N.X.N, bí danh Nguyễn Đồng Sơn,
trở lại Thái Lan (nhờ móc nối với một sĩ quan cấp tướng của Thái, đút lót tiền
nhiều để xin được đỡ đầu) để vận động lập lại “chiến khu quốc nội mới” và sẽ
tiếp tục xin phép vào các trại biên giới (các trại đang bị Thái chèn ép bắt
giam và đòi trả về Việt Nam) để tuyển mộ người (những người trong các trại này
đang sống trong tình trạng tuyệt vọng, dễ bị quyến dụ đi theo).
Với sự đút lót và vận động của Sơn-Kim, viên sĩ quan cấp tướng của
Thái Lan đang định thúc ép nhóm “kháng chiến” của Thái Quang Trung phải sáp
nhập với nhóm của Sơn-Kim để thành lập lại trại Bukdahan. Sau khi đã có trại
mới, có một ít quân, họ sẽ xúi dục những người này bịa ra câu chuyện chiến đấu
ác liệt với cộng sản và nhân đó, sẽ công bố cái chết của Hoàng Cơ Minh. Họ cũng
đã chuẩn bị đưa phó Đề Đốc Hải quân Đinh M.H. lên làm “Chủ tịch Mặt Trận.
Tông tích Nguyễn Đồng Sơn không còn lạ gì đối với các tổ chức
chống cộng ở hải ngoại, cũng như với cơ quan an ninh Thái Lan. Y là cháu ruột
của Nguyễn Xuân Cúc, bí danh Mười Cúc, tức Nguyễn Văn Linh, đang là chúa
trùm đảng cộng sản Việt Nam.
Trước 30.4.1975, Nguyễn Đồng Sơn cùng cánh với Nguyễn văn Hảo. Sau
khi cộng sản chiếm đoạt miền Nam, Nguyễn Đồng Sơn cũng đã cùng Hảo giúp cho
Việt cộng tiếp thu của cải và “quản lý” kinh tế miền Nam, sau đó, cả hai được
Việt cộng cho rời Việt Nam sang Pháp theo đường chính thức. Năm 1983, Nguyễn
Đồng sơn đã sang Hoa Kỳ tìm cách xâm nhập “Mặt Trận” và mua được lòng tin cậy
của mấy anh em Hoàng Cơ Minh.
Nhóm Thái Quang Trung (con của cụ Thái Văn Kiểm) tuy có nhận sự
trợ giúp của Tầu Cộng, nhưng các “kháng chiến quân” sống tại căn cứ Bukdahan
cũng rất thiếu thốn cực khổ, và không có tiền mặt để đút lót cho tướng, tá Thái
Lan, nên có thể phải nhập với “Mặt Trận” của Sơn-Kim để có thêm phương tiện và
nhân sự hầu làm vừa lòng các tướng tá Thái Lan, để được yên, bằng cách canh
chừng biên giới và xâm nhập lãnh thổ Đông Dương thâu thập tin tức tình báo cho
Thái. Nếu dự định này thành tựu thì sau Hoàng Cơ Minh, “Mặt Trận” của Kim-Sơn
sẽ trình diễn một màn lừa bịp thứ hai.
Tiếp tục Khủng bố
Từ ngày “Mặt Trận” ra đời đã xảy ra nhiều vụ Khủng Bố nhắm vào các
phần tử Quốc Gia, đặc biệt là những người cầm bút, trong giới người Việt lưu
vong tại Mỹ. Từ đe dọa, đến ám sát, đốt nhà… Những người bị Khủng bố đều có
chung một “tội” là không chịu hùa theo đồng lõa với những trò lừa bịp của “Mặt
Trận”, nên dù không tìm ra thủ phạm, dư luận vẫn biết ai đã chủ mưu những vụ
này.
Một hôm vào trung tuần tháng 5.1988, nhân dịp Sơn và Kim đến
Bangkok, nhờ tình cờ nghe được câu chuyện trao đổi giữa hai đoàn viên “Mặt
Trận”, kẻ viết bài này càng tin thêm là dư luận đã không sai lầm.
Hôm ấy, kẻ viết bài này đang ngồi trong một Snack bar ở đường
Sukhumvit, Bangkok, một nơi dành cho người ngoại quốc du hí, thì gặp hai người
Á châu có đeo huy hiệu “Mặt Trận” trên ve áo vest. Người viết tảng lờ như không
biết họ là người Việt Nam, ngồi tán tiếng Thái với cô cashier, trong khi vẫn
lắng nghe và để ý dò xét hai người này. Một trong hai người dè dặt đưa mắt nhìn
người viết rồi nói gì đó với bạn đồng hành. Sau đó, một người giả bộ cầm điếu
thuốc lá sang hỏi người viết xin mồi lửa bằng tiếng Việt. Người viết cũng phải
đóng kịch bằng cách ngẩn tò te như không hiểu hắn nói gì và hỏi lại bằng một
tràng tiếng Thái:
- Tôi không hiểu ông nói gì? Tôi là người Thái. Bộ ông là người
Nhật hả? Tôi không biết tiếng Nhật.
Y cười, nói với tôi bằng tiếng Anh:
- Ồ xin lỗi ông, tôi nghĩ ông là người Nhật như chúng tôi.
Từ đó, hai người không e ngại tôi nữa. Họ thản nhiên nói chuyện
với nhau bằng tiếng Việt nho nhỏ. Trong bar, ngoại trừ tôi và hai người đó là Á
châu cùng với cô cashier duyên dáng người Thái, còn khách toàn là Tây phương;
vì vậy, hai người này không phải e dè gì cả. Nhưng họ không biết một điều tối
hệ trọng là ở Bangkok có rất nhiều gián điệp của nhiều quốc gia Tây phương và
của cả cộng sản nữa, và rất nhiều người biết tiếng Việt, nghe, viết, nói cả
tiếng Việt rất giỏi. Có nhiều người nếu không gặp mặt, nhìn họ nói mà chỉ nghe
qua vách thì sẽ nghĩ là hai người Việt đang nói chuyện với nhau.
Sau khi nói những chuyện tầm phào, bá vơ, chuyện chơi bời du hí ở
các động sang trọng của thủ đô Bangkok, nơi rất nổi tiếng về các món ăn chơi ở
vùng Đông Nam Á, hai người vừa uống bia Singha (loại bia đen của Thái rất
nặng), vừa trò chuyện. Một người hỏi:
- Tại sao không làm luôn thằng Nguyễn Thanh Hoàng của tờ Văn Nghệ
Tiền Phong cho rồi?
- Tại sao phải làm thằng Nguyễn Thanh Hoàng?
- Tên này liên tiếp chửi bới, bôi nhọ và lật tẩy Mặt Trận. Nếu
không “dứt” thì sẽ tai hại rất nhiều, vì y nắm được rất nhiều tài liệu về hoạt
động của Mặt Trận.
- Vậy sao mình không dứt bọn nó cho rồi.
- Bây giờ chưa được. Vì bứt dây động rừng ông biết không? Biết đâu
bọn nó đã nhờ cảnh sát bảo vệ, mình cựa quậy bây giờ là nát xương…
Kháng Chiến Phục Quốc
Hay Giữ Dưa?
Như trên đã trình bày, chính sách Thái Lan từ trước tới nay đối
với các tổ chức kháng chiến chống cộng sản Việt Nam, là mở cửa cho bất cứ người
nào có khả năng về nhân sự, tài chánh, và tổ chức để gây dựng một “chiến khu” ở
vùng biên giới Thái-Miên hoặc Thái-Lào. Áp dụng chính sách này, Thái Lan có hai
điều lợi: Thứ nhất, là họ có một đơn vị biên phòng ngăn cản Việt cộng mà không
phải trả lương. Thứ hai, là họ có thể sử dụng những lực lượng kháng chiến
Việt-Miên-Lào để trả giá với Việt cộng. Nếu Việt cộng tấn công mạnh sang đất
Thái, họ sẽ có cớ để mặc cả bằng cách dọa dẫm sẽ yểm trợ các lực lượng kháng
chiến của cả ba nước Đông Dương mạnh hơn… Dù sao thì người Thái vẫn có lợi, đó
là chưa kể đến cái lợi về tài chánh do lực lượng có căn cứ ở biên giới Thái
phải yểm trợ cho kháng chiến của mình qua tay của người Thái. Kháng chiến đã
trở thành một dịch vụ sinh lợi cho các vị tướng lãnh Thái, Tư lệnh các đơn vị
được phép yểm trợ cho từng tổ chức kháng chiến. Thí dụ: đơn vị 309 tình Báo
Biên Giới trực thuộc Bộ tư Lệnh quân Đội Hoàng gia Thái Lan đỡ đầu cho “Mặt
Trận” của Hoàng Cơ Minh. Họ đã che chở cho nhóm Hoàng Cơ Minh và trực tiếp chỉ
huy những người lãnh đạo lực lượng Hoàng Cơ Minh. Tư lệnh của đơn vị 309 Tình
Báo là tướng Sút-Sai, một người đã được hưởng khá nhiều tiền của nhóm Hoàng Cơ
Minh qua trương mục ở Ngân Hàng Quân Đội. Ngoài số tiền “thuê” mảnh đất rừng ở
Buntharit, tỉnh Uborn, phải đóng lần đầu cho vị tướng này (khoảng từ 20,000 đến
30,000 dollas); hàng tháng “Mặt Trận” lại phải đóng “hụi chết” cho các vị tướng
Thái, khi thì 1000 đô la, khi 2-3000 vô kể. Ngoài ra còn phải quà cáp biếu xén
bà tướng, và các vị Đại tá, Trung tá… Đơn vị 315 Tình Báo Biên Giới Thái là cha
đỡ đầu cho nhóm kháng chiến của ông Lê Quốc Túy.
Những đơn vị kháng chiến trở thành những tiền đồn cho Thái Lan và
tùy theo các đơn vị Thái đỡ đầu, các lực lượng kháng chiến Việt Nam còn phải
làm công tác tình báo, trinh sát vào nội địa Lào, Miên để thu thập tin tức tình
báo. Vì thế, khi nhìn hình ảnh các kháng chiến quân người Việt Nam, người ta
thấy mặc quân phục Thái, đội mũ của lực lượng biên phòng Thái, nhiều người đã
tưởng rằng đây là đơn vị của Thái Lan, và không ai nghĩ rằng đó là những người
bị giới hạn cư ngụ trong những vùng đèo heo hút gió, không có quyền đi ra khỏi
khu vực trú đóng. Thỉnh thoảng mới có một, hai người được người Thái chở vào
các thị xã để mua bán, hoặc liên lạc với “hậu trạm” đặt tại Bangkok.
Lực lượng kháng chiến nào cũng có “hậu trạm” đặt tại Bangkok. Khi
thì đặt tại nhà một vị tướng Thái, có số điện thoại để liên lạc viễn liên về
Hoa Kỳ và các “hậu trạm' này đều thuê hộp thư ở bưu điện để liên lạc với các tổ
chức yểm trợ tại Hoa Kỳ hoặc các nước khác.
Cũng có khi thì “hậu trạm” được các sĩ quan Thái của đơn vị đỡ đầu
thuê cho ở một căn nhà bên ngoài thuộc khu an toàn, và thường là nhà của các sĩ
quan cao cấp Thái để bảo đảm an toàn; tất nhiên cũng có đầy đủ tiện nghi và
phương tiện để liên lạc đi các nơi. Trung bình giá một căn cứ (là một cánh rừng
thuộc các tỉnh Đông Bắc Thái Lan giáp ranh giới Miên, Lào), các lực lượng kháng
chiến Việt Nam trả cho các vị tướng Thái vào khoảng 20,000 đến 30,000 Mỹ kim…
mỗi tháng, lại phải đóng tiền “thuê rừng” cho vị tướng vào khoảng 2,000 đến
3,000 dollars. Số tiền này hoàn toàn vào túi riêng của vị tướng. Khi vui thì họ
cho ở, phật ý thì họ đuổi.
Trên thực tế, chính quyền Thái chưa bao giờ chính thức yểm trợ các
tổ chức kháng chiến Việt Nam, các nhân vật lãnh đạo các tổ chức kháng chiến chỉ
được sự che chở ngầm của quân đội Thái và các tướng chỉ huy đơn vị đỡ đầu. Vì
vậy, tình trạng của các đơn vị kháng chiến rất mong manh, nhất là anh em từ các
trại tỵ nạn nhập vào. Họ bị sống bơ vơ trong các căn nhà lá nằm cheo leo trong
những rừng núi hoang vu mà tình trạng tiện nghi rất là thiếu thốn, sinh hoạt
hàng ngày cũng vô cùng eo hẹp. Đối với một số những cán bộ lãnh đạo đã có quốc
tịch ở các quốc gia tạm dung như Pháp, Úc… thì tình trạng khá hơn, vì khi ông tướng
Thái không bằng lòng vì một lý do nào đó (như nộp tiền hàng tháng trễ), thì họ
chỉ trục xuất các cán bộ lãnh đạo này ra khỏi nước Thái; còn những người ở các
trại tỵ nạn ra thì đi cũng không xong, mà ở cũng không chẳng được, tình trạng
này thật là vô cùng bi đát. Người nào liều lĩnh trốn đi một cách bất hợp pháp,
nếu người Thái bắt được sẽ bị đánh đập dã man, nếu không thì lọt vào tay cộng
sản. Đằng nào cũng… chết!!!
Mấy năm nay, các tổ chức kháng chiến có căn cứ ở Thái Lan cứ quanh
quẩn dậm chân ở biên giới Đông Dương, vừa nuôi béo các ông tướng, bà tướng Thái
Lan bằng những đồng tiền thu góp của đồng bào ta ở hải ngoại, vừa đóng vai trò
“giữ dưa” canh đất không lương cho “nước bạn”.
Đây là chiếc thùng không đáy sẽ khiến cho chúng ta lao tâm khổ
trí, hao tài, tổn sức vì nó. Nhưng nếu bỏ đi thì cũng không đành lòng, vì còn
đâu cơ hội mong manh giải phóng quê hương? Và niềm tin mù mờ kia sẽ lụi tàn
theo năm tháng và quên lãng với thời gian; rồi những cám dỗ xa hoa của đời sống
tiện nghi ở nước tạm dung sẽ làm chúng ta không còn thiết tha với chuyện đấu
tranh gian khổ. Một khi ngọn lửa đấu tranh đã thực sự lụi tàn, chỉ còn là những
tro than lạnh lẽo, thì làm sao chúng ta có thể khơi lại cho bùng cháy dữ dội để
thiêu đốt bọn quỷ dữ cộng sản Việt Nam.
Tệ hơn nữa, có những nhóm người bất lương với các ý đồ đen tối, đã
lợi dụng những “chiến khu” ở Thái Lan, để lừa bịp đồng bào, vơ vét tiền bạc của
những người dễ tin - Khủng Bố những ai dám nói thật, biến kháng chiến thành trò
hề, và đẩy lùi giấc mơ phục quốc ngày một thêm xa!!!
Nguyễn Toàn
Bài này đã đăng trên
Văn Nghệ Tiền Phong trang 25 26-27 và 88-89 số 303, từ ngày 1 đến 15 tháng
9 năm 1988.
No comments :
Post a Comment