Nguyễn Thu Trâm 8406
- Đối với phần
lớn người từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 thì sự kiện ngày 01 tháng 11 năm
1963 mãi mãi là một cơn ác mộng. Nhất là bản tin ngắn được phát đi vào khoảng
10 giờ sáng ngày 02 tháng 11, loan báo về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm
và cố vấn Ngô Đình Nhu đã thực sự làm suy sụp tinh thần của hầu hết đồng bào di
cư, nhất là đồng bào công giáo. Đối với hầu hết người Bắc di dân thì cái chết của
Tổng Thống Ngô Đình Diệm và sự cáo chung của nền Đệ Nhất Cộng Hòa là một hồi
chuông báo tử cho nền cộng hòa ở miền Nam. Những giáo dân di cư, trong đó có cả
ông nội tôi, đã mường tượng một ngày quân đội cộng sản tiến vào Sài gòn, và một
cuộc “di cư” nữa để lánh nạn cộng sản sẽ diễn ra sau đó.
Suốt những ngày tiếp
theo của tháng 11 kinh hoàng năm đó, gia đình ông bà chúng tôi cùng tất cả giáo
dân, giành hầu hết thời gian đến nhà xứ để cầu nguyện cho Tổng Thống và bào đệ
Ngô Đình Nhu, những đại ân nhân đã giúp cho gia đình chúng tôi cùng hơn một triệu
đồng bào khác thoát được hiểm họa cộng sản ở miền Bắc, bởi sau hai năm miền Bắc
cải cách ruộng đất, với chính sách tố khổ, cộng sản đã mang đến bao nỗi tang
thương và kinh hoàng
cho những người dân xứ Bắc.
Chắc sẽ có nhiều người
đặt vấn đề rằng với thời gian 300 ngày để di cư, thì cứ tùy nghi ra đi chứ cần
gì phải có ai giúp đở? Sự thật hoàn toàn không đúng như vậy, vì chính quyền của
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức chính quyền cộng sản của ông Hồ Chí Minh luôn
tìm mọi cách để ngăn chặn người ta di cư sang xứ tự do ở miền Nam, bằng nhiều
hình thức đe dọa, bưng bít thông tin, kể cả khủng bố tinh thần và tuyên truyền
xuyên tạc chính sách di cư cũng như xuyên tạc về chế độ Cộng Hòa để giảm thiểu
số người di cư vào vùng tự do đến mức thấp nhất. Nhân ngày hiệp kỵ lần thứ 49 của
Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, 01 tháng 11 năm 2012, như một nén hương lòng, để
ghi tạc công đức của Cụ Ngô, chúng tôi xin thuật lại hành trình lánh nạn cộng sản
lần thứ nhất của gia đình chúng tôi, cũng như của hơn một triệu đồng bào miền Bắc,
theo nhật ký hành trình của ông tôi, nguyên là một Chánh Tổng ở Văn Giang, Hải
Hưng.
Sau khi quân đội
pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết giữa chính phủ
của Hồ Chí Minh và chính phủ Cộng Hòa Pháp, chia đôi Việt Nam thành hai miền, lấy
vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Từ vỹ tuyến 17 trở ra thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa, tức là Cộng Sản Việt Nam. Từ Vĩ tuyến 17 đến Cà Mau thuộc Quốc Gia Việt
Nam. Việc đất nước phải bị chia cắt làm hai miền với hai thể chế chính trị khác
nhau là một thảm họa của dân tộc Việt Nam, mà ít nhất đã một lần xãy ra trong lịch
sử của đất nước khi Trịnh – Nguyễn Phân Tranh kéo dài hơn 100 năm từ 1627 cho đến
năm 1789 khi Hoàng Đế Quang Trung kéo đại binh ra Bắc đánh tan 20 vạn quân
Thanh vào khuya tối mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 mới hoàn toàn chấm dứt 100 năm chiến
tranh giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn mang bao nhiêu đau thương tang tóc cho dân
Việt giữa hai bờ sông Gianh. Có một điều khác biệt trong lần chia cắt đất nước
lần này là giới tuyến không còn là sông Gianh mà là sông Bến Hải, và “Họa trung
hữu phúc”, cũng “nhờ” Hồ Chí Minh ký hiệp ước chia cắt đất nước mà ít nhất là một
nữa dân tộc Việt ở bờ nam sông Bến Hải đã không phải chịu sự thống trị sắt máu
của cộng sản ngót 21 năm từ 1954 cho đến 1975.
Trại Tạm Cư Cho Người Bắc Mới Di Cư Vào Nam |
Ít nhất cũng hơn 1 triệu
người Bắc chúng tôi cũng tránh được họa cộng sản trong ngần ấy năm, nhờ
vào Điều 14 phần (d) của Hiệp định Geneva cho phép người dân ở
mỗi phía di cư đến phía kia và yêu cầu phía quản lý tạo điều kiện cho họ di cư
trong vòng 300 ngày sau thoả hiệp đình chiến, tức việc di cư sẽ chấm dứt vào
ngày 19 tháng 5 năm 1955. Dân Hà Nội có 80 ngày, Hải Dương có 100 ngày, còn Hải
Phòng, điểm cuối cùng tập trung để di cư có 300 ngày để di cư.
Ngày 4/6/1954, trước
khi Hiệp định Geneve được ký kết 6 tuần, Pháp đã ký một Hiệp định với Quốc gia
Việt Nam, công nhận Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập. Theo đó chính phủ Quốc
gia Việt Nam sẽ tự chịu trách nhiệm với những hiệp định quốc tế được ký bởi
Pháp trước đó nhưng có liên quan tới họ, cũng như không còn bị ràng buộc bởi bất
cứ hiệp ước nào do Pháp ký sau này.
Ông Trần Văn Đỗ, trưởng
đoàn đại diện của Quốc gia Việt Nam nhất quyết không ký vào Hiệp định Genève vì
không chấp nhận việc chia cắt Việt Nam và đại diện phái đoàn Quốc Gia Việt Nam
ra một tuyên bố riêng:
“... Chính phủ Việt Nam yêu
cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối
cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa
của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự
dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của
dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ
sở."
Tuy vậy, lời phản kháng
và đề nghị của đại diện Quốc gia Việt nam đã không được Hội nghị bàn tới. Ngoại
trưởng Trần văn Đỗ từ Genève tuyên bố với các báo chí như sau: "Từ khi đến Genève, phái
đoàn không bao giờ được Pháp hỏi về ý kiến về điều kiện đình chiến, đường phân
ranh và thời hạn Tổng tuyển cử. Tất cả nhưng vấn đề đó đều được thảo luận ngoài
Hội nghị, thành ra phái đoàn Việt Nam không làm thế nào bầy tỏ được quan niệm của
mình".
Tuy lên tiếng phản đối,
nhưng sau khi hiệp định được kí kết, Chính phủ và quân đội Quốc Gia Việt Nam vẫn
cùng quân Pháp tập kết về phía nam vĩ tuyến 17. Ngày 28 tháng 4 năm 1954, Uỷ
Ban Bảo vệ Bắc Việt Nam của Quốc Gia Việt Nam tìm cách kêu gọi dân chúng di cư
vào Nam để lánh nạn cộng sản. Một kế hoạch di cư được đặt ra và một Uỷ Ban Di
Cư được thành lập. Ngày 30 tháng 7 năm 1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm phát biểu
cổ vũ dân chúng miền Bắc di cư vào miền Nam để lánh nạn cộng sản.
Một ngày sau khi Hiệp định
được ký kết, tức ngày 22 Tháng Bảy, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ
toàn Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để bày tỏ quan điểm chống đối sự chia đôi
đất nước.
Ngày 22 tháng 7 năm
1954, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: "Đấu tranh để củng cố
hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu
tranh lâu dài và gian khổ”., và khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước
ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”. Đây là lần đầu tiên,
Hồ Chí Minh bày tỏ lập trường của Quốc Tế Cộng Sản về chiến lược nhuộm đỏ cả
Đông Dương, và quyết tâm dùng bạo lực cách mạng, dùng máu xương của đồng bào Việt
Nam trong một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn để mở rộng quyền thống trị của
Hồ Chí Minh và của chế độ cộng sản trên toàn bộ đất nước.
Sở dĩ chúng tôi phải
nêu lại những sự việc trên là để quý độc giả cũng như các lãnh đạo của cộng sản
Việt Nam hiện nay thấy được rằng việc chia cắt đất nước là tội ác của Hồ Chí
Minh và Thực dân Pháp, chứ hoàn toàn không có sự can dự của Chính Phủ Quốc Gia
Việt Nam hay của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Sau đó, hậu thân của Quốc
gia Việt Nam là Việt Nam Cộng hòa, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã từ chối tổ chức
tuyển cử thống nhất Việt Nam. Năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa được thành lập trên
cơ sở Quốc Gia Việt Nam. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm tuyên bố: “Chúng tôi không từ chối
nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ"
nhưng "nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự
do ở miền Bắc”. Đây là một nhận định vô cùng sáng suốt của Cố Tổng Thống Ngô
Đình Diệm, bởi theo thể thức “đảng cứ dân bầu” của cộng sản, thì chắc chắc toàn
thể cử tri miền Bắc buộc phải dồn phiếu cho Hồ Chí Minh, bởi họ biết rằng chỉ
có làm như thế họ mới mong được yên phận, chứ nếu chọn lựa theo lương tri của họ,
để bầu cử cho chính phủ Quốc Gia Tự Do, thì chắc chắn họ sẽ bị quy kết là Việt
Gian, rồi cả gia đình, họ tộc sẽ bị đấu tố bị tru diệt. Trong khi đó ở miền Nam
tự do, người ta có quyền lựa chọn ngay cả việc chống đối lại chính phủ mà không
bao giờ sợ phải bị trả thù, không bao giờ bị đấu tố, thì thiếu gì những thành
phần thân cộng hoặc những kẻ phá thối, sẳn sàng bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh để thủ
tiêu nền Cộng Hòa còn non trẻ.
Trở lại với việc di cư
vào Nam, gia đình chúng tôi cũng như hầu hết đồng bào Bắc phần vào thời gian
đó, những vụ đấu tố trong cải cách ruộng đất bắt đầu từ năm 1953 là một ác mộng
kinh hoàng, và cả những vụ khủng bố, thanh trừng của cộng sản đối với những sỹ
phu yêu nước, những chính khách thuộc các đảng phái khác, luôn luôn là một nỗi
ám ảnh về những cái chết oan nghiệt hãi hùng, cho nên ai cũng mong muốn được
thoát khỏi ách thống trị của cộng sản, ai ai cũng muốn được vào miền Nam tự do,
nhưng khốn nạn cho nhiều người Bắc chúng tôi, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc
thì làm sao có đủ chi phí cho hành trình từ quê nhà về đến Hải Phòng để xuống
tàu vào Nam, dù chuyến hành trình từ bắc vào Nam là hoàn toàn miễn phí. Cũng
như vào những năm cao trào vượt biên đi tìm tự do sau năm 1975, cả dân tộc Việt
Nam đều muốn bỏ nước ra đi, cả cái cột điện mà đi được thì nó cũng đã đi rồi,
nhưng đâu phải ai cũng có đủ vàng đủ bạc để chi phí cho những chuyến vượt biên
đi tìm tự do này. Cho nên, chỉ có khoảng hơn một triệu người có đủ điều kiện để
vào Nam trong suốt 300 ngày di cư. Bên cạnh cái nghèo khó cái đói rách đã ngăn
chặn người miền Bắc di cư, thì chính sách tuyên truyền, xuyên tạc và khủng bố của
chính quyền cộng sản cũng là một cản trở lớn. Những truyền đơn, bích chương của
Liên Hiệp Quốc in ấn, phát hành để tuyên truyền, khích lệ và hướng dẫn cho dân
chúng về chính sách di cư đều bị chính quyền tịch thu, không đến được tay của
dân chúng, ngoài ra các cán bộ thôn xã còn đến từng nhà xuyên tạc chính sách của
Liên Hiệp Quốc, cũng như đe dọa rằng những ai có ý định di cư vào Nam tức là những
người có tư tưởng theo Việt gian, chống lại đảng, chống lại chính phủ của cụ Hồ,
sẽ bị trừng phạt đích đáng! Nhiều gia đình có điều kiện ra đi, nhưng vì những sự
đe dọa đó, họ sợ rằng nếu không đi được mà phải trở về thì chắc chắn là không
còn đường sống với chính quyền cộng sản, mà đành nhắm mắt đưa chân, quyết định ở
lại chung sống với cộng sản.
Do vậy mà phần lớn những
người di cư vào Nam năm 1954 là những người từng là nạn nhân của cộng sản, từng
bị tịch thu tài sản, nhà cửa ruộng vườn, vì bị quy vào thành phần địa chủ, phú
nông hay tư sản, tiểu tư sản phản động ở các thành phố, là những người hiểu rằng
họ không thể nào sống dưới chế độ cộng sản được mà phải quyết tâm bỏ lại cửa
nhà để ra đi. Tuy nhiên, chính quyền cộng sản lúc bấy giờ vu cáo rằng những
người Công giáo Việt Nam đã bị chính quyền Pháp, Mỹ và thân Mỹ cưỡng bức hay
"dụ dỗ di cư". Cộng sản Bắc Việt từng lu loa rằng “các Linh mục miền
Bắc giục giã giáo dân vào Nam với lời giảng rằng Đức Mẹ Đồng Trinh đã vào Nam
nên họ phải đi theo” Sic. Đó là lối tuyên truyền xuyên tạc lố bịch và trơ tráo
của công sản mà thôi. Thực tế các Linh mục, các Cha xứ là người hiểu rỏ hơn dân
chúng về chế độ cộng sản, và các vị linh mục cũng là người nắm được đầy đủ
thông tin từ Liên Hiệp Quốc về chính sách di dân, nên đã giảng giải, giúp giáo
dân hiểu đích xác về vấn đề, cũng như khích lệ họ vượt qua sự sợ hãi mà mạnh dạn
lên đường đi về miền tự do đó là lý do tại sao trong số hơn một triệu người di
cư vào Nam thì đã có đến 800.000 người công giáo. Đây là công lớn của các vị mục
tử.
Trong khi đó, có những
bằng chứng cho thấy rằng những tờ bích chương và tờ bướm do Uỷ hội Quốc tế
Kiểm soát Đình chiến in và trao cho hai bên phổ biến cho dân chúng biết về quyền
tự do di tản thì không được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phân phát.
Hơn nữa chính Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đã mở cuộc điều tra đơn khiếu
nại của chính quyền cộng sản Bắc Việt của Hồ Chí Minh, khiếu nại về hành động
cưỡng bách di cư. Trong số 25.000 người Uỷ hội tiếp xúc, không có ai nhận là họ
bị "cưỡng bách di cư" hay muốn trở về Bắc cả. Thế mới thấy rỏ được sự
lường láo tráo trở của Hồ Chí Minh và cộng sản Việt Nam.
Theo số liệu thống kê Uỷ
hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình chiến thì ngoài những người kinh là nạn nhân của chế
độ cộng sản hoặc giáo dân Công giáo thì trong số dân di cư vào Nam, còn có những
người thuộc dân tộc thiểu số đã từng theo quân đội Pháp chống Việt Minh. Trong
đó có khoảng 45.000 người Nùng vùng Móng Cái và 2.000 người Thái và Mèo từ Sơn
La và Điện Biên cũng đã gồng gánh con cái, theo đường bộ đến Hải Phòng để xuống
tàu vào Nam.
Ngày 9 tháng 8 năm
1954, chính phủ Quốc Gia Việt Nam của tân Thủ tướng Ngô Đình Diệm lập Phủ Tổng Ủy
Di Cư Tỵ Nạn ở cấp một bộ trong nội các với ba nha đại diện, một ở miền Bắc, một
ở miền Trung và một ở miền Nam để xúc tiến định cư. Thêm vào đó là Uỷ Ban Hỗ Trợ
Định Cư, một tổ chức cứu trợ tư nhân giúp sức.
Đối với sinh viên đại học,
Bộ Tư Lệnh Pháp dành 12 chuyến bay trong hai ngày 12 và 13 Tháng 8 đưa khoảng
1200 sinh viên miền Bắc vào Nam. Ước tính chỉ khoảng 1/3 ở lại còn 2/3 chọn di
cư.
Ngày 04 tháng 8 năm
1954 cầu hàng không nối phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn trong Nam với các sân
bay Gia Lâm, Bạch Mai, Hà Nội và Cát Bi, Hải Phòng ngoài Bắc được thiết lập. Nỗ
lực đó được coi là cầu không vận dài nhất thế giới lúc bấy giờ (khoảng 1.200 km
đường chim bay). Phi cảng Tân Sơn Nhứt trở nên đông nghẹt; tính trung bình mỗi
6 phút một là một máy bay hạ cánh và mỗi ngày có từ 2000 đến 4200 người di cư tới.
Tổng kết là 4280 lượt hạ cánh, đưa vào 213.635 người.
Ngoài ra, một hình ảnh
quen thuộc với người dân tỵ nạn là "tàu há mồm" tiếng Anh là Landing
Ship Tank viết tắt là LST- đón người ở gần bờ rồi chuyển ra tàu lớn neo ngoài hải
phận miền Bắc. Các tàu thủy vừa hạ xuống, hàng trăm người đã giành lên. Các tàu
của Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ba Lan... giúp được 555.037 người
"vô Nam". Ngoài ra cũng có tới 102.861 người tự tìm đường bộ hoặc
ghe thuyền và phương tiện riêng để tự túc di cư vào Nam, lánh nạn cộng sản miền
Bắc.
Được sự trợ giúp tận
tình của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, những người di cư chúng tôi rất sớm ổn định
cuộc sống trên quê hương mới trên nhiều tỉnh thành ở miền Nam, với những tên gọi
thân quen của những làng xã, phố thị bản quán của chúng tôi ở miền bắc như Bùi
Chu, Phát Diệm hoặc Tân Hoá, Tân Thanh tức Thanh Hoá mới, Tân Phát tức
Phát Diệm mới, Tân Hà tức Hà Nội mới… với mong muốn bảo lưu được các nét đẹp
văn hoá của quê xưa trên vùng đất mới còn tiềm ẩn nỗi nhớ quê hương bản quán, của
người những người vì lý tưởng tự do mà phải xa rời nơi chôn nhau cắt rốn.Những tướng tá đã tham gia vụ đảo chánh ngày 01/11/1963 |
B
Biến cố 30 tháng Tư năm
1975, một lần nữa mang hiểm họa cộng sản đến cho toàn dân miền Nam, và cho cả
người Bắc di cư chúng tôi, những người đã một lần phải lìa bỏ quê hương bản
quán để lánh nạn cộng sản 21 năm về trước. Những tưởng chúng tôi đã vĩnh viễn
thoát khỏi họa cộng sản rồi, nào ngờ đâu cái biến cố 01 tháng 11 năm 1963 lại
báo hiệu cho chúng tôi về một hiểm họa cộng sản mới, và điều đó đã ứng nghiệm lời
tiên liệu của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu phát biểu trong một cuộc họp của Tổng
Đoàn Thanh Niên Dân Vệ tháng 10 năm 1962 tại Trung Tâm Huấn Luyện Thi Nghè, rằng
“Nếu chính phủ này bị ngoại bang và tay sai lật đổ thì 12 năm sau (tức là năm
1975) Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị rơi vào tay cộng sản.”. Thế là hàng triệu
người Việt lại phải ra đi tìm tự do mà không có bất cứ sự sắp đặt nào của quốc
tế! Những người Bắc 54 của chúng tôi lại một lần nữa phải “di cư” để lánh nạn cộng
sản thêm một lần nữa trong đời. Thật là ai oán! Sao chúng tôi lại phải hai lần
tắm trên một dòng sông? Điểm khác biệt là lần này chúng tôi ra đi không được sự
bảo trợ nào của quốc tế, mà chúng tôi phải trả chi phí cho chuyến đi bằng vàng,
bằng máu và cả bằng sinh mạng của chúng tôi nữa. Bởi người Ta đã sát hại Cụ Diệm,
vị ân nhân của chúng tôi rồi… còn ai nữa đâu để chở che cho chúng tôi trên bước
đường gian nan đi lánh nạn cộng sản lần thứ hai này, trách sao chúng tôi
không phải trả giá.
Nhiều người cho rằng
chính những kẻ phản loạn và ăn cháo đái bát như Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh,
Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Hữu Có, Lê Văn Nghiêm, Đỗ
Mậu, Phạm Xuân Chiểu, Trần Văn Minh, Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Văn Đôn, Tôn Thất
Đính và Lê Văn Kim… là những tội đồ của dân tộc, là những con chó phản chủ đã
gián tiếp dâng miền Nam cho cộng sản để cả dân tộc phải lầm than… Riêng tôi là
những người sinh sau đẻ muộn, chúng tôi không dám phán xét ai cả, mà chỉ tâm niệm
rằng vì nghiệp chướng của dân tộc Việt Nam quá nặng nên đã đã trót sinh ra Hồ
Chí Minh và những kẻ “ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” đó mà thôi. Vả lại, trên bước
đường di tản nhọc nhằn rồi những năm tháng sống lưu vong nơi đất khách quê người
vật vờ như cái bóng, những kẻ đó chắc cũng đã nhận ra tội ác và lầm lỗi của
mình đối với một vị tổng thống anh minh, cũng như đối với đất nước, đối với dân
tộc Việt Nam, khi vì tiền, bàn tay của họ đã vấy máu của Người đã ban phát cho
họ những ân huệ, bổng lộc và chức tước... Đó là sự trừng phạt không nhỏ, và chắc
chắn với những ray rức đó trong suốt những năm cuối đời trong kiếp sông lưu
vong, khi nhắm mắt xuôi tay, trở về với đất, chắc chắn linh hồn của họ sẽ không
bao giờ được siêu thoát. Nhất là lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt sẽ phán xét
họ.
Tôi viết lên bài này chỉ
là để làm tròn ước nguyện của ông tôi trước khi qua đời cũng là xin được tỏ bày
lòng tri ân của chúng tôi đối với NGÔ TỔNG THỐNG và Nền Để Nhất Cộng Hòa đã một
lần giải thoát chúng tôi khỏi ách cộng sản vào năm 1954.
Như một nén hương lòng
xin thành kính dâng lên Cụ
Nguyễn Thu Trâm 8406
No comments :
Post a Comment